Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay (17/1), VN-Index giảm gần 30 điểm, tương đương 2,7% còn 1.034,7 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng mất gần 32 điểm, chỉ còn 1.030 điểm.
Sau ba phần tư thời gian giao dịch trong phiên diễn ra khá trầm lắng với xu hướng đi ngang, đà bán tháo bất ngờ xuất hiện sau 14h. Khởi đầu từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và các cổ phiếu vốn hóa lớn, đà bán tháo sau đó lan rộng ra cả thị trường với sắc đỏ chiếm đa số. Chỉ trong gần một giờ giao dịch, VN-Index và VN30-Index đều giảm sâu sau khi nhiều nhà đầu tư quyết bán "bằng mọi giá".
Khác với những phiên giảm điểm mạnh trước đây, lực cầu bắt đáy trong phiên hôm nay diễn ra yếu hơn đáng kể so với lực cung, khiến thị trường gần như không có nhịp hồi nào đáng kể trước khi đóng cửa.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, đà giảm sẽ khó có thể chấm dứt ngay lập tức. Trong bối cảnh lực cầu vẫn còn dè chừng và lực bán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng 1.000 điểm, thậm chí thấp hơn.
Lý giải về phiên giảm điểm hôm nay, ông Minh cho rằng thị trường đã chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố cộng hưởng từ thị trường thế giới không còn tích cực. "Nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí và ngân hàng chịu áp lực chốt lời khi đã tăng khá mạnh thời gian gần đây. Bên cạnh đó, độ căng của margin cũng khiến thị trường trở nên rủi ro hơn", ông Minh giải thích.
Cùng với đà tăng mạnh nối dài từ cuối năm 2017, VN-Index đã liên tục phá các kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, mức độ rủi ro đã tăng lên đáng kể, đặc biệt khi VN-Index vượt ngưỡng 1.050 điểm - một trong những ngưỡng kháng cự mạnh nếu xét về khía cạnh kỹ thuật.
Một trong những yếu tố khiến đà giảm nhanh và dứt khoát, theo ông Minh, là do lượng cho vay ký quỹ để mua chứng khoán (margin) đã lên cao, cộng thêm việc Ủy ban chứng khoán mới đây đã ra quyết định siết chặt hoạt động này khi nâng tỷ lệ ký quỹ từ 50% lên 60%. "Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm largcap đã trong tình trạng kín room cho vay. Hiện tượng căng margin khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an và dễ bị đám đông chi phối", vị chuyên gia này nhận xét.
Dự báo cho thị trường trong ngắn hạn, ông Minh cho rằng đà giảm có thể tiếp diễn trong những phiên tới do lực cầu vẫn còn rất thận trọng. Theo đó, VN-Index có thể về ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.000 điểm hoặc thấp hơn nữa là 975 điểm.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, đà tăng mạnh từ cuối năm 2017 sang 2018 đã khiến mặt bằng giá cổ phiếu tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã ghi nhận khoản lợi nhuận khá lớn. Do đó, chỉ một biến động nhỏ cũng có thể kích hoạt làn sóng chốt lời để bảo vệ thành quả.
Tuy nhiên, dù thị trường có biến động mạnh, nhiều dự báo về dài hạn vẫn cho thấy viễn cảnh tích cực. Theo dự báo của một số chuyên gia và các công ty chứng khoán, thị trường năm nay có nhiều yếu tố để hy vọng vượt qua mức đỉnh 1.170 điểm của năm 2007. Dự báo kết thúc năm có thể đạt từ 1.300 đến 1.600 điểm trong điều kiện tốt nhất.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)