“Trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, Nhà nước được gì?" –xin được dẫn lại câu hỏi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại buổi họp triển khai kế hoạch tài chính ngân sách hồi đầu năm, để thấy rằng tình trạng phù phép của công thành tư qua bàn tay của những nhóm lợi ích, gây thất thoát lớn cho ngân sách đang là thực trạng nhức nhối.
Gần như chúng ta mới nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc hơn sau hai vụ việc đình đám gần đây là vụ bán nhà đất công giá rẻ cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) ở Đà Nẵng và vụ Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Tp.HCM) bán 30 ha đất công giá bèo cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ở TP.HCM.
Thực tế, đó chỉ là hai ví dụ điển hình nhất sau hàng loạt vụ việc ở mức độ nhỏ hơn, thấp hơn xảy ra khắp các địa phương trên cả nước.
Ngay hồi đầu năm nay, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành kết luận có dấu hiệu tội phạm trong bán nhà công sản số 135 Huỳnh Thúc Kháng (TP Huế) cho đối tượng không thuộc diện mua nhà, làm thất thoát ngân sách 2,7 tỷ đồng.
Trước đó, hàng loạt vụ chuyển đổi từ đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc, trung tâm thương mại văn phòng của các DNNN, DNNN cổ phần cũng được Bộ Tài Chính chỉ ra và đề nghị thanh tra vì có dấu hiệu bị “phù phép” trong quá trình chuyển đổi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đơn cử, một số cái tên từng được Bộ tài chính nhắc đến trong danh sách kiến nghị phải thanh tra hồi năm ngoái như: Công ty Cổ phần Thương mại Phú Nhuận (PNCo); Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam…
Ngoài danh sách đề nghị thanh tra, hàng loạt quỹ đất công đã biến thành các dự án thương mại theo hình thức bán đất hoặc hợp tác đầu tư mà không ai nắm rõ giá trị cũng được nhắc đến như: The Goldview của TNR Holding trên quỹ đất của Công ty May - Diêm Sài Gòn…
Nhắc lại để thấy rằng, thực tế việc các DNNN sở hữu đất công sau đó cho thuê hoặc chuyển nhượng lại vốn rất phổ biến trên thị trường nhiều năm qua.
Trở lại vụ việc bán hàng loạt đất công sản ở Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm” ) khiến hàng loạt quan chức thành phố này rơi vào vòng lao lý, nhiều khái niệm “những cái bắt tay dưới gầm bàn”; “sự phù phép” “nhóm lợi ích” đã liên tục được nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến vụ việc. Rõ ràng, trong vụ việc này cho thấy sự thao túng của một nhóm quan chức đã ở mức tinh vi, có tính tổ chức, mang tính hệ thống, thực sự báo động.
Hay trường hợp Công ty Tân Thuận bán hơn 30 ha đất công với giá “rẻ bèo” cho Quốc Cường Gia Lai, dù chưa có kết luận chính thức, nhưng không ít người đều chung nhận định “Yếu tố trục lợi trong giao dịch khá rõ ràng”.
Đương nhiên, người ta rất dễ để nhận ra sự bất thường trong một giao dịch dân sự vốn được coi là bình thường. Người bán đất - ở đây là Công ty Tân Thuận – một pháp nhân nhà nước với sự hiểu biết chắc chắn về pháp luật, nắm rõ giá trị đất giao dịch trên thị trường – không có lý gì lại chấp nhận bán đi tài sản thấp hơn giá thị trường. Vậy nên nghi vấn đặt ra là liệu có sự “móc ngoặc” “thông đồng” giữa hai bên trong thương vụ này hay không là điều dễ hiểu.
Câu chuyện Vũ Nhôm thâu tóm hàng loạt “đất vàng”, hay Quốc Cường Gia Lai mua đất công giá rẻ… rõ ràng đang lẩn khuất ở nhiều nơi khiến dư luận xã hội phải đặt câu hỏi: Vì sao “đất vàng”, “đất kim cương”, tài sản công lại rơi vào tay một vài doanh nghiệp dễ dàng đến thế?
Thực tế, xét ở góc độ xã hội, sự lạm dụng quyền lực trong xử lý việc công ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo ngày càng nhiều, càng báo động. Thực trạng này đã không ít lần được nhắc đến trong các cuộc họp, hội nghị quan trọng của Đảng, Chính phủ. Rất nhiều người từng đặt ra vấn đề “kiểm soát quyền lực”, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Hô hào có. Cụ thể hóa bằng các văn bản, nghị quyết cũng đã có. Nhưng vi phạm vì sao vẫn xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai?
Ở đây, dưới góc độ pháp lý, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đó là hệ quả của mâu thuẫn chính sách pháp luật: “hiện nay mặc dù Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng cũng chính trong Hiến pháp lại công nhận quyền sở hữu với đất ở nhà ở là tài sản, như vậy ngay bản thân pháp lý của chúng ta cũng có vấn đề cần phải cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành” – ông Kiên phân tích.
Cũng theo ông Kiên, do không giải quyết được thấu đáo vấn đề đó nên luôn có khe hở do sự chênh lệch chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở. Bản chất là chuyển sở hữu miếng đất đấy từ toàn dân sang cá nhân và nó phát sinh chênh lệch địa tô do vấn đề sở hữu.
Rõ ràng, những kẽ hở pháp lý trên rất cần được nhìn nhận thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn để sớm có điều chỉnh trong chính sách đất đai, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản nhà nước – mà thực chất là tài sản, là mồ hôi xương máu của nhân dân
Theo Hoàng Lan (Dân Việt)