Theo Kết luận xác minh của Tổng cục Thuỷ sản đưa ra hồi tháng 5/2015, có 3 văn bản mang số 758, 1789 và 1526 bị ghép phần phụ lục, 2 văn bản mang số hiệu 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 và 663/TCTS-TTKN ngày 22/3/2013 được xây dựng và phát hành trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có thêm công căn 2545/TCTS-TTKN ngày 25/9/2013 được phát hành không đúng quy định.
Kết luận trên cũng chỉ ra rằng, ông Bùi Đức Quý là người đã ký vào tất cả các văn bản trái pháp luật được phát hiện trong thời gian còn giữ chức Giám đốc Trung tâm và khi đã thôi giữ chức vụ này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi.
Đáng lưu ý, với các văn bản được xây dựng và phát hành trái quy định của pháp luật, kết luận xác minh cho biết, bản chính của các công văn này dù cùng số hiệu nhưng có tên khác với tên công văn được lưu trữ trong phần mềm quản lý văn bản của Văn thư Tổng cục.
Đối với công văn 2545 được phát hành không đúng quy định, Đoàn xác minh đã thu thập được công văn cùng số, cùng ngày tháng năm với công văn này nhưng có nội dung hoàn toàn khác. Trong phần mềm quản lý văn bản của bộ phận văn thư của Tổng cục cũng không có tên công văn như công văn này.
Tuy nhiên, việc các công văn này có bị làm giả chữ ký và con dấu khi phát hành hay không thì kết luận không nêu rõ.
Thêm nữa, với các văn bản trên, ông Bùi Đức Quý là người ký trình và ký vào từng trang phụ lục của công văn, bà Nguyễn Thị Hà là người tổng hợp phụ lục trình ký và phát hành công văn, ông Lê Tuấn Anh là người cho số và đóng dấu công văn.
Vậy ở đây, văn bản do ông Quý ký trình và bà Hà trình ký là để trình lãnh đạo nào tại Tổng cục Thuỷ sản ký vào? Nội dung này cũng không được thể hiện rõ tại kết luận của Tổng cục Thuỷ sản.
Trong một công văn gửi đi sau khi bị buộc thôi việc và khai trừ khỏi Đảng, ông Lê Tuấn Anh vẫn khẳng định: “Không có bất cứ sai phạm gì trong việc đóng và lăn con dấu”.
Theo ông Tuấn Anh, theo quy chế tiếp nhận, xử lý và quản lý văn bản, thông tin của Tổng cục Thuỷ sản, công tác đóng dấu phát hành văn bản được quy định: “Người đóng dấu kiểm tra các chữ ký, nếu đúng, đủ thì cho số, ngày, tháng để nhân bản và đóng dấu.
“Tôi chỉ có nghĩa vụ đóng dấu văn bản khi tất cả văn bản đã có chữ ký của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo đơn vị ký thừa lệnh và ký nháy, ký trình của đơn vị cùng phòng ban liên quan”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Như vậy ở đây, chữ ký của Lãnh đạo Tổng cục ở các văn bản trên được ông Tuấn Anh khẳng định là đúng rồi mới đóng dấu. Vậy câu hỏi cũng một lần nữa đặt ra, Lãnh đạo Tổng cục nào đã ký vào những công văn trên? Trong trường hợp, nếu không có Lãnh đạo nào ký thì tại sao các văn bản trên chỉ có dấu đỏ mà vẫn có thể được bán cho hàng loạt doanh nghiệp? Còn trong trường hợp chữ ký lãnh đạo bị làm giả, bị cắt ghép vào thì không thấy kết luận xác minh nói rõ.
Trao đổi với báo chí, ông Dương Văn Cường - Chánh Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: “Văn bản gốc chúng tôi khẳng định là lưu giữ tại văn phòng Tổng cục là văn bản chuẩn, được ban hành đúng quy định nhưng các đối tượng cố ý ghép văn bản để đưa vào lưu hành không đúng quy định”.
Tại thời điểm đó, các đối tượng thực hiện hành vi, năm 2015 tạm dừng cho đăng ký lưu hành các sản phẩm này, các đối tượng này chỉ có cách là ghép vào phụ lục ban hành từ trước năm 2014, 2013. Các hành vi này không phải xảy ra trong 3 năm mà là xảy ra trong năm 2015 nhưng sử dụng văn bản từ năm 2013, 2014 để làm giả.
Cũng cần nói thêm rằng, tại Kết luận xác minh công bố hồi năm ngoái, Tổng cục Thuỷ sản cho biết, các đối tượng đã ghép thêm phần phụ lục vào công văn ban hành từ năm 2013 và các hành vi này được thực hiện vào khoảng tháng 12/2014 và tháng 6/2014.
Còn tại các công văn xây dựng và phát hành trái quy định của pháp luật được thực hiện vào năm 2015 bằng cách sử dụng những số hiệu văn bản từ năm 2013 và đổi tên, nội dung trong văn bản.
Trả lời về việc có hay không việc lãnh đạo ký cùng vào 2 văn bản, ông Cường khẳng định: "Không có chuyện lãnh đạo nào của Tổng cục ký vào cả 2 văn bản như vậy, đây là cách làm của 1 số đối tượng là sử dụng văn bản đã ký, chế thêm và ghép thêm vào các văn bản đó".
Ông Cường cũng khẳng định: “Lãnh đạo Tổng cục ký tươi vào văn bản đã ban hành đúng luật và lưu trữ tại Tổng cục còn bản kia là do các đối tượng làm giả”.
Và câu hỏi lại một lần nữa đặt ra, nếu không có chữ ký tươi của Lãnh đạo Tổng cục thì tại sao văn bản lại dễ dàng được mang bán cho các doanh nghiệp? Và tại sao nội dung “cắt ghép chữ ký và đóng dấu khống” không được thể hiện rõ trong bản kết luận thực hiện hồi tháng 5 năm ngoái?
Theo Phương Dung (Dân Trí)