Theo hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới BMI, tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD, đến năm 2020 ước đạt khoảng 160 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong giai đoạn 2012 – 2017.
Với quy mô nền kinh tế hơn 90 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường cực kỳ hấp dẫn trong mảng bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít các doanh nghiệp đua nhau báo lỗ.
Chẳng hạn, như Lotte Mart với khoản lỗ luỹ kế gần 800 tỷ đồng kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam năm 2008. Metro Cash & Carry Việt Nam lỗ gần 600 tỷ đồng cho đến thời điểm chuyển nhượng cho tập đoàn Thái Lan năm 2015. Đến nay, mảng kinh doanh bán lẻ của 19 trung tâm này đến nay vẫn chưa sinh lãi.
Chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart sau khi hợp tác với Aeon cũng liên tục báo lỗ. Năm 2015, Fivimart đã báo lỗ hơn 60 tỷ đồng, đến năm 2016 lỗ 96 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 23 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Fivimart đã về tay Vingroup…
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, hiện nay lượng hàng hóa nhập về Việt Nam rất đa dạng, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Do đó, đối với những hàng tồn kho, các doanh nghiệp chấp nhận hạ giá, chịu lỗ.
"Chỉ có một số doanh nghiệp truyền thống có lãi. Còn lại các hệ thống phân phối hiện đại đa phần là lỗ. Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ. Thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỷ đồng/năm".
Tuy nhiên, theo ông Đoàn, nguyên nhân quan trọng nhất là do cuộc chiến giành thị phần ở lĩnh vực bán lẻ đang diễn ra rất khốc liệt.
Các doanh nghiệp đua nhau 'sát phạt'. Có doanh nghiệp thương mại điện tử chấp nhận lỗ 2.000 tỷ, doanh nghiệp bán lẻ lỗ 1.000 tỷ/năm. Có doanh nghiệp đặt mục tiêu 10 năm hòa vốn, với mức đầu tư 2 tỷ USD để giành thị phần.
Theo ông Đoàn, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị thì phải đạt số lượng từ 20 – 30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Do đó, thời điểm gia nhập, cạnh tranh thị phần, hầu hết doanh nghiệp đều chấp nhận lỗ. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp Việt, nếu không có nhiều nguồn lực, tiền bạc, kinh nghiệm thì nên cân nhắc.
“Giai đoạn đầu có thể để các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Sau 5-10 năm nữa, có thể mua lại họ.Tất cả việc đó là hết sức bình thường”, ông Đoàn cho hay.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam sẽ ưu tiên bán hàng nước họ, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng ý kiến này hoàn toàn không đúng.
Bất kể doanh nghiệp ngoại hay nội khi kinh doanh ở Việt Nam thì cũng chỉ bán các loại hàng người tiêu dùng Việt Nam cần, và có các tiêu chí lựa chọn riêng. Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải làm sao đáp ứng chất lượng, hiệu quả của sản phẩm để có thể cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Quang Dũng - PGĐ CTCP Tư vấn đầu tư Bán lẻ Việt cho biết mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần hiện không còn phát triển ở thị trường trong nước do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Các dự đoán đều cho thấy cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi. Điều này lý giải vì sao, việc đầu tư cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi.
Theo Dương Hưng (Tiền Phong)