Nhấn mạnh nguyên tắc, đã hoạt động kinh doanh thì phải có nghĩa vụ kê khai nộp thuế, lãnh đạo ngành thuế cho biết, về cơ bản, những giao dịch qua mạng đều để lại dấu vết và có thể truy soát. Song muốn quản lý thuế đối tượng này, phải có sự phối hợp giữa các Bộ cũng như giữa cơ quan thuế các nước với nhau.
Trao đổi với báo chí tại phiên họp báo chuyên đề của Tổng cục Thuế ngày 31/3, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian vừa, vấn đề thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử rất được quan tâm.
Về nguyên tắc, đã kinh doanh là phải kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, kinh doanh qua mạng internet lại rất phức tạp, người bán có thể kinh doanh mọi lúc mọi nơi, khó xác định người mua, không giống như kinh doanh truyền thống có cửa hàng, cửa hiệu, không kê khai thì cũng kiểm soát được.
Hơn nữa, việc đăng ký kinh doanh thương mại điện tử lại liên quan đến Bộ Công Thương, do đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ có những trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để có những chính sách yêu cầu kê khai, từ đó có cơ sở để tính thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực tế, quản lý thuế thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó với ngành thuế Việt Nam mà còn là thách thức với các giao dịch xuyên biên giới.
Năm nay, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà và nội dung này cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị APEC. Theo đó, nội dung quản lý thương mại điện tử nằm 1 trong 15 chương trình hành động của các bộ trưởng tài chính của các nước G20. Bản thân Việt Nam cũng đang chuẩn bị để tham gia vào những chương trình này với chủ đề tăng cường tác giữa các cơ quan thuế quốc tế.
Đại diện ngành thuế đánh giá, môi trường giao dịch qua thương mại điện tử không những dễ tạo điều kiện cho tình trạng trốn thuế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển mà còn tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nguyên nhân do, những giao dịch điện tử không bị tính thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhập khẩu nên sẽ có ưu thế về vấn đề giá. Đây chính là một chương trình cần phối hợp giữa các cơ quan thuế với nhau.
Hiện mới chỉ đề cập đến vấn đề kinh doanh giữa các nhân với cá nhân, còn có mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cá nhân như quảng cáo qua Google, Amazon… thì theo quy định chung, đã là người kinh doanh có phát sinh doanh thu nộp thuế thì đều phải thực hiện nghĩa vụ này.
Ông Minh lấy ví dụ, thương mại điện tử giữa cá nhân với cá nhân thực hiện qua mạng xã hội Facebook thì với cơ chế đăng ký qua mạng hiện nay, muốn quản lý thuế phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ.
"Vừa rồi chúng tôi cũng đã tổ chức những hội thảo với các chuyên gia nhằm tham mưu về những vấn đề quanh giao dịch điện tử. Về cơ bản, các giao dịch này đều để lại dấu vết trên hệ thống mạng, dù giao dịch đã hoàn thành nhưng bao nhiêu năm sau vẫn còn để lại dấu vết. Nên chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý để quản lý thuế những đối tượng này", ông Minh cho biết.
Theo đó, hiện ngành thuế đang có những đề án và trong thời gian sớm nhất sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính. Đồng thời, cần phải có những giải pháp về công nghệ trong thời gian tới. Trước mắt, việc thu thuế những đối tượng này vẫn dựa trên cơ chế động viên các cá nhân, tổ chức tự kê khai hoạt động giao dịch.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)