Bán hàng ở sân bay nghĩ cách thoát ế

31/08/2020 16:25:48

Heathrow, sân bay đón lượng khách quốc tế đông thứ hai thế giới trước dịch, đang vật lộn để hồi sinh hoạt động bán lẻ trong nhà ga.

Các nhà ga của sân bay Heathrow (London, Anh) từng chật chội với lượng khách đông đúc. Nhưng nay, Covid-19 đã khiến người đi lại nhỏ giọt và các cơ sở bán lẻ gần như phải đóng cửa. Một số quán rượu, cửa hàng và nhà hàng đang mở thì về cơ bản hoạt động trong một thị trấn ma.

Doanh thu bán lẻ tại sân bay này đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ kể từ năm 2009 và mang lại khoảng 25% tổng doanh thu mỗi năm. Điều này có nghĩa, mất doanh số bán hàng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Heathrow.

Tương tự với nhiều sân bay khác trên thế giới. Năm 2018, doanh số bán lẻ đã mang lại 78 tỷ USD cho các sân bay, theo dữ liệu của Generation. Con số này cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước, nhờ lượng hành khách tăng vọt. Chi tiêu trung bình của hành khách tại các sân bay không tăng nhiều so với cùng kỳ, chỉ hơn 18 USD mỗi khách, từ khoảng 17 USD vào năm 2009.

Trong thời gian bình thường, có tới 80 triệu hành khách đi qua Heathrow, thuộc sở hữu của Heathrow Airport Holdings, mỗi năm. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, con số đó đã gần bằng 0 và chỉ tăng một cách khiêm tốn kể từ đó, lên khoảng 15% lưu lượng so với trạng thái bình thường trước dịch.

Trong khi hoạt động kinh doanh ở London đã quay lại thì phần lớn các cửa hàng bên trong sân bay vẫn cửa đóng then cài. Các quản lý của Heathrow cho biết đang nỗ lực để thuyết phục các công ty hoạt động lại ở 2 nhà ga đang mở. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn không sẵn sàng nếu họ thấy doanh số tiềm năng không đáng với chi phí.

Bán hàng ở sân bay nghĩ cách thoát ế
Hành khách thưa thớt tại khu mua sắm của sân bay Heathrow gần đây. Ảnh: WSJ

Trong khi đó, Heathrow đã tiến hành nhiều thay đổi về trải nghiệm mua sắm. Họ lập các tuyến đi lại một chiều đến các cửa hàng, cung cấp dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng cho các nhà hàng, quán cà phê; đưa các nhà bán lẻ truyền thống trong sân bay tham gia kinh doanh trực tuyến. Giờ đây, hành khách tại Heathrow có thể mua hàng tại sân bay trước khi đến và nhận hàng trên đường ra cửa tàu bay.

Tất cả những điều này nhằm duy trì nhu cầu của các khách hàng tương đối giàu có của sân bay. Heathrow — trước đại dịch là sân bay lớn thứ hai trên thế giới đối với du khách quốc tế, sau Dubai — trong thập kỷ qua, đã chuyển từ bán các mặt hàng thiết yếu cho du lịch hạng trung sang các mặt hàng cao cấp hơn như túi xách, khăn choàng cổ và đồ trang sức sang trọng. Hàng hóa xa xỉ có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn trước các khủng hoàng kinh doanh.

Thật vậy, tháng trước, Heathrow đã báo cáo mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong chi tiêu bán lẻ trung bình cho mỗi hành khách, nhờ một đơn hàng duy nhất: chiếc nhẫn đính hôn trị giá 65.000 bảng Anh (85.300 USD) được mua tại cửa hàng Tiffany & Co mới mở lại gần đây.

Leon, một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh chuyên phục vụ các món ăn như bánh mì kẹp gà nóng và thịt viên Morocco, là một trong những quán ăn đầu tiên mở cửa trở lại ở Nhà ga số 2 của Heathrow. Chuỗi này vốn đã duy trì các cửa hàng bên ngoài sân bay suốt đại dịch. Nick Scovell, Trưởng bộ phận nhượng quyền của Leon, cho rằng có sự quan tâm nhất định với việc chuỗi này mở lại ở sân bay.

Họ giảm 50% nhân viên nhà bếp và thiết lập các quy tắc giãn cách xã hội đối với khách hàng. Quyết định mở cửa sớm đã được đền đáp ban đầu. Leon trở thành một trong số ít nhà hàng thức ăn nhanh phục vụ hành khách nên đã độc quyền kinh doanh. Nhưng khi các quán ăn khác mở cửa lại, doanh số của họ quay đầu giảm.

Các nhà bán lẻ phải tuân theo các quy định của chính phủ Anh về giới hạn số lượng người mua sắm trong một cửa hàng, cùng với các yêu cầu đối với nước rửa tay và đồ bảo hộ. Nhìn chung, các quy định tương đối đơn giản đối với các cửa hàng thời trang như Bottega Veneta và Paul Smith, đã mở cửa trở lại ở Nhà ga số 2 của Heathrow vào đầu tháng 7.

Nhưng thách thức hơn là khu World Duty Free, khi hành khách len lỏi qua các lối đi với nước hoa, đồ trang điểm, rượu, thuốc lá và các mặt hàng xa xỉ khác. Trước đại dịch, họ lần lượt đi qua các quầy, dùng thử Baileys Irish Cream, nước hoa Chanel và các sản phẩm trang điểm.

Dufry AG (Đức), công ty sở hữu và điều hành các cửa hàng World Duty Free, đang làm việc với Heathrow về các phương pháp bố trí lại không gian sàn. Hiện tại, họ tổ chức các tuyến di chuyển một chiều, cho phép hành khách đi vòng qua các điểm và ra lại lối được chỉ định.

Dufry đã mở lại một nửa trong số 2.400 cửa hàng World Duty Free trên toàn cầu và dần cho phép khách hàng thử nước hoa trở lại tại một số điểm bán, bao gồm ở Heathrow. Công ty cho biết nhân viên sẽ giữ khách hàng thử nước hoa sau quầy và tuân thủ quy trình vệ sinh nghiêm ngặt sau mỗi lần thử.

L’Oreal SA, một trong những nhà cung cấp sản phẩm chính cho World Duty Free, cho biết đang tăng tốc phát triển các công cụ thực tế ảo tăng cường để giúp khách hàng thử sản phẩm mà không thực sự dùng thử lên cơ thể. Công ty gần đây đã bắt đầu giới thiệu mã vạch trên các sản phẩm tại Heathrow. Khách hàng có thể quét mã bằng điện thoại của họ. Sau đó, họ có thể kiểm tra màu sắc và sắc thái trên khuôn mặt của chính mình, nhờ vào camera điện thoại và trang web của L’Oreal.

Công ty cho biết còn quá sớm để xác định liệu khách hàng có chấp nhận lựa chọn cách này hay không. "Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thực hiện," một nữ phát ngôn viên cho biết.

Theo Phiên An (VnExpress.net)

Nổi bật