Nhu cầu tăng vọt đối với các thiết bị thông minh, trong đó có iPhone của Mỹ và Xiaomi của Trung Quốc trong thời gian đại dịch Covid-19 với nhiều hoạt động làm việc và học tập online. Nhiều doanh nghiệp phân phối các sản phẩm của Mỹ và Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận tăng vọt.
CTCP Thế Giới Số - Digiworld (DGW) của CEO Đoàn Hồng Việt vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2021 với doanh thu đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong 105 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, lợi nhuận trong quý III của Digiworld (DGW) cao hơn 20% so với ước tính trước đó cho nửa cuối năm 2021. Với những diễn biến mới, SSI điều chỉnh tăng ước tính năm 2021 và năm 2022 lần lượt thêm 22% và 38% lên mức 508 tỷ đồng và 738 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Gần đây, cổ phiếu DGW tăng mạnh lên đỉnh cao lịch sử, quanh vùng 130.000-140.000 đồng/cp, gấp khoảng 2 lần so với cách đây 3 tháng.
Trước đó, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (PET), một ông lớn khác trong mảng phân phối các sản phẩm điện thoại, công bố ước tính kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận sau thuế đạt gần 72 tỷ đồng, cao nhất trong 5 quý gần đây.
Theo đó, ước tính lãi sau thuế 9 tháng đạt 186 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
Sở dĩ Petrosetco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh là nhờ phân phối sản phẩm Apple đạt kết quả cao. Mảng bán lẻ điện thoại, laptop đem lại 9.666 tỷ đồng doanh thu và 148 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn tới 19% kế hoạch cả năm.
Kể từ khi đại dịch bùng nổ, số lượng tưu thụ các sản phẩm điện thoại thông minh và laptop tăng mạnh do nhu cầu học tập và làm việc từ xa liên tục gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mùa tựu trường vừa qua cũng góp phần đẩy doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh và phân phối các sản phẩm điện thoại, máy tính cá nhân.
Lũy kế 9 tháng, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 11.058 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế tăng 58% lên xấp xỉ 238 tỷ đồng.
Theo BVSC, các bên phân phối ICT như Digiworld, Petrosetco, FPT Shop… sẽ hưởng lợi trước tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu thúc đẩy xu hướng cao cấp hoá. Giá các sản phẩm cao cấp cao hơn sẽ giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bối cao hơn.
Theo BVSC, những thay đổi này trong hành vi của khách hàng theo chiều hướng sử dụng nhiều thời gian truy cập Internet hơn sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm ICT như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Điều này có lợi cho các nhà phân phối ICT.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 20/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tăng giá nhẹ và đang hướng tới ngưỡng 1.400 điểm.
Theo BSC, trong phiên liền trước thanh khoản thị trường giảm, độ rộng thị trường tiếp tục hướng về phía tiêu cực với số mã giảm áp đảo số mã tăng. Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn HoSE và HNX. Thị trường có khả năng tiếp tục đi ngang trong khoảng 1.390-1.400 trong ngắn hạn.
Theo VDSC, VN-Index vẫn thận trọng trước ngưỡng 1.400 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán và sức ép đang giảm, thể hiện qua thanh khoản giảm so với các phiên trước và dưới mức trung bình 50 phiên. Mặc dù tín hiệu chưa rõ ràng nhưng với áp lực đang giảm, chúng ta có thể kỳ vọng khả năng vượt cản 1.400 điểm để nới rộng nhịp tăng ngắn hạn. Do vậy, nhà đầu tư có thể nắm giữ các cổ phiếu đang từng bước đi lên; đồng thời tận dụng diễn biến phân hóa của thị trường để tham gia ngắn hạn tại các cổ phiếu đang có tín hiệu tích cực sau nền tích lũy
Chốt phiên chiều 19/10, chỉ số VN-Index giảm 0,2 điểm xuống 1.395,33 điểm. HNX-Index tăng 2,12 điểm lên 387,00 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 99,6 điểm. Thanh khoản đạt 24,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 20,3 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)