Không có chuyện sau một đêm chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp
Thảo luận tại Hội trường chiều 20/11 về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc - vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đại biểu đầu tiên đăng ký phát biểu.
So sánh giữa Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với thông điệp phát triển bao trùm, đưa cả 55 triệu người trong độ tuổi lao động vào phạm vi điều chỉnh của luật với việc thảo luận luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh thay vì 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm hiện hành, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng đó là sự "hợp duyên".
Khi đưa ra dự thảo luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến của ĐBQH băn khoăn đưa hộ kinh doanh vào Luật liệu có khiên cưỡng? Hộ kinh doanh có bị thui chột hay không khi được chính danh trong luật Doanh nghiệp? Tại sao không trình ra Quốc hội ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh?
ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, các hộ kinh doanh ở nước ta, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đã có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn cả các công ty.
"Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất cho hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc không đưa hộ kinh doanh vào luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý. Ông dẫn chứng, trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân của các cá nhân kinh doanh đóng góp chưa đầy 10% GDP được quy định trong luật Doanh nghiệp, còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh - nơi sinh kế của hàng chục triệu người đóng góp trên 30% GDP của đất nước mà bản chất cũng chính là doanh nghiệp lại chỉ được chế định trong một nghị định do Chính phủ ban hành.
Theo nghị định này, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh.
"Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ có thể được quy định trong văn bản do Quốc hội ban hành", ông nhấn mạnh và đưa ra chính kiến: "Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng là bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác".
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hay ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty hay thành doanh nghiệp tư nhân, mà chỉ để bảo vệ hộ kinh doanh, đảm bảo minh bạch hóa, nâng cao năng lực phát triển của các hộ kinh doanh.
“Tuyệt đối không có chuyện qua một đêm ngủ dậy, ông chủ quán phở hôm qua trở thành Giám đốc doanh nghiệp hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh được ghi nhận trong luật, sẽ giúp họ yên tâm làm ăn bài bản, có điều kiện thuận lợi để từng bước chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, mở mang hoạt động kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nên có nghị định riêng cho hộ kinh doanh
Tuy nhiên, bài phát biểu khá dài của ĐB Vũ Tiến Lộc nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ các ĐBQH khác.
Ngay sau phần thảo luận của ông Lộc, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, sau khi tiếp cận được dự thảo luật Doanh nghiệp tại Ủy ban Kinh tế, bà đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn sâu đối với một số chủ hộ kinh doanh, với hai câu hỏi cơ bản, đó là hoạt động kinh doanh của họ có vướng mắc hay bất cập gì không và có muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp hay không?
Trái với những kỳ vọng như ĐB Vũ Tiến Lộc đưa ra, bà Thơ tiết lộ: "Hầu như nhận được câu trả lời là không, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn".
Một bộ phận hộ kinh doanh không nhỏ khác cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô kinh doanh chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến các hộ kinh doanh thiếu tự tin chấp nhận nằm im để kinh doanh an toàn.
Một số doanh nghiệp cho rằng nếu chuyển đổi nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn. Ví dụ, các giấy phép liên quan, giấy phép môi trường hoặc các cuộc thanh tra, kiểm tra, thủ tục kế toán, kê khai sẽ phức tạp hơn, làm tăng chi phí gián tiếp.
Theo đó, ĐB đoàn Hà Tĩnh cho rằng nên đánh giá tác động, cân nhắc nghiên cứu để xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh có phạm vi lớn nhằm đảm bảo khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.
Trao đổi trực tiếp với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) thẳng thắn: "5 điều về hộ kinh doanh đưa vào trong dự thảo luật tôi thấy không có gì là mới mẻ so với hiện hành. Rất đơn giản, chưa rõ ràng và như vậy nó cũng chưa phải là cứu cánh cho hộ kinh doanh như kỳ vọng mà chúng ta nêu ra".
"Nếu 5 điều này mà đưa vào, tôi xin thưa với Quốc hội, có chăng chỉ được cái lợi đầu tiên mà chúng ta thấy là mở mắt ra hôm trước hôm sau từ 700.000 doanh nghiệp chúng ta được 5 triệu doanh nghiệp. Trong khi đó chúng ta chưa đánh giá được tác động cụ thể qua việc đề cập đến hộ kinh doanh đưa vào trong luật này", ĐB Trần Quang Chiểu nêu băn khoăn.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hộ kinh doanh là một thành tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế nước ta, không chỉ ảnh hưởng 5 triệu người mà có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Ông phân tích: "Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, luật hóa hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa vào luật chỉ mang tính cơ học, đó là bóc tách một phần nội dung của Nghị định 78 để đưa thành một chương của Luật Doanh nghiệp mà chưa có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động một cách thấu đáo, toàn diện, đầy đủ là chưa thuyết phục. Do đó, xin đề nghị giải pháp cần làm là giảm tối đa điều kiện hoạt động kinh doanh cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sửa quy định về kê khai nộp thuế, sổ sách kế toán thay vì khiên cưỡng đưa hộ kinh doanh vào luật để đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp".
Theo Công Luân - Hoa Liên (Nguoiduatin.vn)