Để rộng đường dư luận, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
- Tôi nghĩ việc họ bàn theo chương trình đã ấn định thì họ cứ bàn thôi, nhưng cơ bản phải xem họ bàn như thế nào và quyết định ra sao. Không phải mỗi lần bàn là một lần tăng lương vì nếu năm nào cũng điều chỉnh lương như thế thì ai mà theo được? Không chỉ doanh nghiệp, Chính phủ cũng không theo được, không có cách nào để điều chỉnh lương liên tục như thế.
Hội đồng tiền lương quốc gia khi xem xét các vấn đề chung tôi nghĩ họ chắc cũng hiểu doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường với những quy luật riêng và nhà nước không thể cái gì cũng can thiệp vào được. Nhà nước cũng phải có sự tôn trọng doanh nghiệp trong các quyết định của họ.
Thời gian qua tôi thấy vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội đã trở thành gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp. Nếu họ trả lương quá thấp, công nhân bỏ việc nhiều thì doanh nghiệp phải chịu thiệt hại cho nên hãy để họ tự tính toán việc đó. Mong là Chính phủ và các thành phần không thuộc doanh nghiệp như Hội đồng tiền lương hiểu điều đó để có cái nhìn cho phù hợp.
- Liệu tăng một đồng tiền lương, gánh nặng cho mỗi doanh nghiệp có tăng lên gấp đôi không thưa bà?
- Tôi nghĩ, đừng nên vội phản ứng, có lối mòn tư duy kiểu cứ Hội đồng tiền lương họp là bàn về việc tăng lương.
Cần phải hiểu là tăng một đồng lương sẽ kéo theo tăng các thứ khác như bảo hiểm, công đoàn phí, những thứ tính theo cơ sở tiền lương cũng tăng lên. Hệ quả sẽ không chỉ trực tiếp đồng lương trong khi các doanh nghiệp đang đủ đường khó khăn rồi.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, không dễ dàng gì để doanh nghiệp có thể tồn tại được. Bằng chứng là chỉ tính riêng năm 2015 vừa qua, số doanh nghiệp đóng cửa đã tăng lên hơn 80.000. Đến quý I năm nay, con số ấy tiếp tục tăng lên. Đó là hệ quả của nhiều thứ, nhưng tôi nghĩ tiền lương cũng có tác động không nhỏ tới việc này.
- Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, nhưng mức tăng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Bà có nghĩ vậy không?
- Đâu phải người trả lương phải đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người lao động? Tính toán của chủ doanh nghiệp sẽ dựa trên năng suất lao động, mức đóng góp của người lao động chứ họ không thể tính lương trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người làm thuê được.
Tôi cho rằng không nên buộc trách nhiệm trên cho doanh nghiệp. Họ không thể vừa tạo cho người khác một công việc vừa phải lo đáp ứng mọi nhu cầu của người lao động.
- Các nước có điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam họ xử lý vấn đề này ra sao thưa bà?
- Người ta thường có cơ chế chủ yếu giữa hiệp hội giới chủ với đại diện giới lao động. Hai bên sẽ trao đổi với nhau để đưa ra mức lương hợp lý. Thông thường ở các nước những người đại diện cho giới lao động cũng hiểu rất rõ kết cấu, mức lương như thế nào thì doanh nghiệp có thể hoạt động được.
Tôi thấy họ không chỉ một chiều đòi tiền lương tăng cao bởi họ hiểu rất rõ nếu đòi lương cao chủ doanh nghiệp có thể sẽ không chịu nổi tức là doanh nghiệp ngừng kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm cho họ được nữa.
Ở nhiều nước vấn đề số 1 họ quan tâm theo tôi là con số về thất nghiệp. Người ta rất sợ khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Từ đó, người ta rất quan tâm tới giới chủ cũng như việc làm thế nào để khuyến khích giới chủ tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Còn tại Việt Nam, lâu nay tôi thấy vẫn còn ám ảnh suy nghĩ của ngày trước: giới chủ là giới thuộc thành phần tư bản, bóc lột người lao động nên người ta luôn nghĩ là phải đấu tranh để tiền lương tăng cao hơn và nhà nước phải đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Thế nhưng, tôi nghĩ có lẽ cần đặt vấn đề cho đúng mức trong cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay. Tôi thấy tiếc vì trong các cuộc tranh luận về tiền lương, giới chức Việt chưa có sự quan tâm đầy đủ về hệ quả của việc tăng lương với giới chủ doanh nghiệp.
Có lẽ những người đề xuất, quyết định tăng lương cũng chưa hình dung được con số doanh nghiệp tiếp tục ngưng hoạt động lại tăng cao như vậy. Mỗi khi định tăng lương, xin hãy nghĩ đến hệ quả của nó là bao nhiêu % doanh nghiệp sẽ tiếp tục đăng ký ngừng hoạt động và bao nhiêu người sẽ tiếp tục mất thu nhập, mất việc làm.
Điều đó tôi nghĩ còn quan trọng hơn cả chuyện những người lao động hiện nay tăng thêm được một chút tiền lương. Nó không bõ bèn là bao nhất là khi đối chiếu với thực tế có biết bao nhiêu người đang chờ để được có công ăn việc làm.
- Theo bà việc họp bàn về lương tối thiểu có nên công khai và mức tăng như thế nào là hợp lý?
- Tôi thấy các phương tiện thông tin đại chúng cũng có đưa tin, nhưng nội dung không đủ ở chỗ ví dụ tiền lương tăng ngần ấy, bảo hiểm sẽ tăng thêm bao nhiêu, công đoàn phí tăng thế nào…? Tổng cộng gánh nặng tăng thêm cho doanh nghiệp thực chất là bao nhiêu? Chắc chắn không phải chỉ trên dưới 10% như tính toán mà con số đó sẽ lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, chưa có tính toán với mức tăng lương như thế bao nhiêu doanh nghiệp có thể chịu nổi, bao nhiêu nơi phải ngừng hoạt động? Số người mất quyền lợi, mất việc làm do tăng lương là bao nhiêu? Số người được hưởng tăng lương thực chất còn bao nhiêu?
Rõ ràng bên đại diện cho giới chủ và đại diện cho người lao động ở Việt Nam chưa đưa ra được bài toán đầy đủ như vậy.
Tôi mong là ngay cả các bên đại diện cho giới sử dụng lao động như VCCI cần rút kinh nghiệm và có lẽ tới đây cần có cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp một cách thấu đáo hơn, tính toán đầy đủ hơn về toàn bộ chi phí gắn với tiền lương dội lên doanh nghiệp để có lời giải rõ ràng hơn cho bài toán tổng chi phí doanh nghiệp phải chịu khi tăng lương.
Thêm nữa, tự dưng tăng lương liệu có làm tăng năng suất lao động hay không? Cũng cần có những dẫn chứng cụ thể chứng minh cho vấn đề này.