Áp lực nâng "tấm đệm rủi ro" với hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang đến gần. Theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tăng vốn điều lệ từ 1,8 - 2 lần so với mức cuối năm 2017 để đảm bảo mức độ an toàn vốn. Tuy nhiên, có sự phân hóa rõ ràng giữa những "ông lớn" ngân hàng quốc doanh và những ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Ba năm gần đây, trong khi những ngân hàng thương mại tầm trung liên tục nâng cao vốn điều lệ thông qua chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành riêng lẻ, ba ông lớn quốc doanh là BIDV, Vietcombank hay VietinBank đều "dậm chân tại chỗ".
Ngoại trừ Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước vẫn chưa cổ phần hóa thì ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh còn lại đều đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khó khăn nhất trong nhóm này, có lẽ phải kể đến BIDV. Lần tăng vốn gần nhất của nhà băng này diễn ra vào năm 2014. BIDV hiện là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất với 1,27 triệu tỷ đồng, cùng với VietinBank và Agribank là ba ngân hàng có tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ trong hệ thống. Tuy nhiên, vốn điều lệ của BIDV chỉ hơn 34.000 tỷ đồng, đứng thứ ba trong nhóm bốn "ông lớn" quốc doanh.
Với quy mô vốn giữ nguyên trong nhiều năm, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV đang trong nhóm bét bảng. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của BID tính riêng ngân hàng mẹ chỉ cao hơn 9% trong khi CAR hợp nhất chỉ đạt khoảng 10,8%. Nếu áp dụng theo Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của BIDV, theo đánh giá của Tổng giám đốc Phan Đức Tú, sẽ "chạm ngưỡng nguy hiểm".
Áp lực phải tăng vốn với ngân hàng này ngày càng hiện hữu, dù vậy quá trình này cũng không hề dễ dàng. Trong ba năm gần nhất, năm nào ban lãnh đạo BIDV cũng đề ra từ 3-4 phương án tăng vốn điều lệ, nhưng chưa năm nào thực hiện được, dù chỉ là một trong số đó.
Năm 2016, BIDV cùng VietinBank kiến nghị lên cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2015 từ tiền mặt sang cổ phiếu để tăng vốn. Đề xuất này được sự chấp thuận của cơ quan điều hành, nhưng sau đó đã bị Bộ Tài chính phản bác với lý do ngân sách eo hẹp.
Năm 2017, BIDV tiếp tục đề ra một loạt phương án, từ phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhưng đến cuối năm, không phương án nào được thực hiện.
Năm nay, ngân hàng này tiếp tục đưa ra những phương án tăng vốn như hai năm trước đó với mục tiêu tăng 28% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty chứng khoán, chỉ có một trong bốn phương án này - tăng vốn qua phát hành riêng lẻ, là "cửa sáng nhất".
BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh niêm yết có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao nhất, đạt hơn 95%. Hơn tám năm nay, nhà băng này vẫn đang tìm đối tác chiến lược để chào bán riêng lẻ nhưng chưa thành công. "Cửa" phát hành đang mở ra khi cuối năm 2017, BIDV đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana. "Quá trình phê duyệt hiện chưa có thời điểm rõ ràng, nhưng thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II", VCSC nhận định.
Tuy vậy, việc tìm được đối tác chiến lược cũng chưa thể chắc chắn sẽ phát hành sẽ thành công. Vietcombank là một ví dụ. Thỏa thuận phát hành 7,73% vốn của Vietcombank cho Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore GIC đã được hai bên ký thỏa thuận ghi nhớ từ cuối tháng 8/2016, nhưng đã hơn hai năm vẫn không thể thực hiện.
Vướng mắc ở thương vụ này, theo đánh giá của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, chủ yếu nằm ở việc đàm phán giá. Là ngân hàng quốc doanh, việc chào bán cổ phần của Vietcombank phải đáp ứng theo nguyên tắc giá không hơn định giá và thị giá của cổ phiếu VCB. Tuy nhiên mức giá GIC đưa ra chưa đáp ứng yêu cầu này. Việc gián đoạn trong thương vụ chào bán cổ phần riêng lẻ cho GIC cũng khiến vốn điều lệ của Vietcombank ba năm gần đây không có sự thay đổi.
So với Vietcombank và BIDV, VietinBank có phần hạn chế hơn khi "cửa" tăng vốn qua phát hành riêng lẻ khó có thể thực hiện. Lý do là sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã xuống mức tối thiểu 65%, dư địa cho việc phát hành không còn.
Nhưng cũng như BIDV, tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đang "chạm ngưỡng nguy hiểm". Cách tăng vốn dễ nhất với nhà băng này là chia cổ tức bằng cổ phiếu, như chính họ và BIDV đã đề xuất năm 2016. Dù vậy, quyết định này có được chấp thuận hay không vẫn là câu chuyện phải nhìn từ nhiều phía, như năm 2016, dù Ngân hàng Nhà nước đồng ý nhưng hai nhà băng quốc doanh vẫn không thể thực hiện do áp lực từ Bộ Tài chính với lý do từ vấn đề ngân sách.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)