Ba năm thí điểm cơ chế đặc thù: Cán bộ tăng thêm thu nhập

14/10/2020 09:43:29

Nhiều cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 54 đã được TP.HCM triển khai, cán bộ được tăng thu nhập, dự án được đẩy nhanh. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn chưa được hưởng.

Chính phủ vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM gửi các Đại biểu Quốc hội.

Lương cán bộ tăng thêm

Theo Nghị quyết về cơ chế thí điểm, Hội đồng nhân dân TP.HCM được quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định.

Từ quý 3/2019 trở đi, TP.HCM áp dụng Quy định đánh giá, phân loại sửa đổi, đồng thời triển khai thực hiện nguyên tắc tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý không quá 50% số lượng lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị để từng bước nâng cao chất lượng đánh giá theo hướng phản ánh chính xác năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Ba năm thí điểm cơ chế đặc thù: Cán bộ tăng thêm thu nhập
TP.HCM được nhận nhiều cơ chế chính sách đặc thù.

Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc khối Nhà nước Thành phố, tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quý 3/2019 chiếm 49,55% và quý 4 năm 2019 chiếm 52,31% tổng số lãnh đạo, quản lý (tuy vượt quá 50% nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định do được phép làm tròn thành 1 nếu có số dư 0,5 trở lên).

“Theo kết quả tổng hợp của cả 2 khối, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức Thành phố hai quý cuối năm 2019 đạt trên 50%; số lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt khoảng 45%”, báo cáo cho biết.

Trong giai đoạn 2018-2020, TP.HCM đã bố trí dự toán kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý với tổng số tiền là 18.020 tỷ đồng.

Trong đó, khối thành phố là 5.383 tỷ đồng và khối quận, huyện là 12.637 tỷ đồng  (hệ số tăng thêm trong năm 2018 là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ và năm 2019, năm 2020 là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ).

Riêng trong năm 2020, Thành phố đã thực hiện giảm hệ số thu nhập tăng thêm xuống còn 0,6 đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (giảm khoảng 2.266,7 tỷ đồng) so với dự toán đầu năm HĐND thành phố quyết định.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00: Điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống: Điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.

Theo đánh giá của Thành phố, nhìn chung chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2019 xếp hạng 7/63 tỉnh, thành; cao hơn năm 2018 (hạng 10/63).

Nhiều cơ chế chưa được hưởng

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu ngân sách TƯ trên địa bàn TP theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 chưa thực hiện được.

Lý do là thực hiện các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ với ngân sách thành phố và các khoản thu Ngân sách TƯ hưởng 100% trên địa bàn Thành phố năm 2018, năm 2019 và dự kiến 2020 không đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Cho nên năm 2018, năm 2019 và dự kiến năm 2020 TP.HCM không được thưởng và đầu tư trở lại theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Cụ thể: năm 2018, các khoản ngân sách Trung ương hưởng là 186.358 tỷ đồng (gồm phần NSTƯ hưởng 82% từ các khoản thu phân chia là 142.852 tỷ đồng; các khoản thu NSTƯ hưởng 100% là 43.506 tỷ đồng), giảm 25.090 tỷ đồng so với dự toán giao.

Năm 2019, các khoản ngân sách TƯ hưởng là 212.602 tỷ đồng (gồm phần NSTƯ hưởng 82% từ các khoản thu phân chia là 158.048 tỷ đồng; các khoản thu NSTƯ hưởng 100% là 54.554 tỷ đồng), giảm 10.136 tỷ đồng  so với dự toán giao.

Năm 2020, dự kiến các khoản thu ngân sách trung ương hưởng là 193.168 tỷ đồng (gồm phần NSTƯ hưởng 82% từ các khoản thu phân chia là 150.161 tỷ đồng; các khoản thu NSTƯ hưởng 100% là 43.007 tỷ đồng), giảm 48.291 tỷ đồng so với dự toán giao.

Ngoài ra, Nghị quyết cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý:

Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết số 54 có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/1/2018) thì chỉ có 2 cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP.HCM được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng đến nay 2 cơ sở nhà, đất này vẫn chưa thực hiện được việc bán, chuyển nhượng nên chưa phát sinh nguồn thu để thực hiện theo Nghị quyết.

Đối với việc hưởng số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, theo đó TP.HCM thực hiện cổ phần hóa (nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ) đối với 36 doanh nghiệp.Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, TP gặp một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ, dẫn đến hiện nay phải tạm dừng triển khai các bước tiếp theo.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)

 

Nổi bật