Bà Mai Kiều Liên: "Nhà đầu tư ngoại không dại mà bỏ thương hiệu Vinamilk"

21/05/2016 13:11:00

Lãnh đạo Vinamilk cho rằng cổ đông không cần quá lo lắng về khả năng thương hiệu hàng đầu của ngành sữa Việt Nam có thể bị thâu tóm và xóa bỏ khi nới room ngoại.

Lãnh đạo Vinamilk cho rằng cổ đông không cần quá lo lắng về khả năng thương hiệu hàng đầu của ngành sữa Việt Nam có thể bị thâu tóm và xóa bỏ khi nới room ngoại.
 

Đáp lại những chất vấn này, bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết sau khi điều chỉnh giấy phép kinh doanh, Vinamilk thuộc diện không bị hạn chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, sau cuộc họp, Hội đồng quản trị sẽ thông báo cho cổ đông việc hoàn tất thủ tục nới room trong thời gian sớm nhất. "Còn việc Nhà nước sẽ thoái vốn như thế nào tại Vinamilk thì phải theo lộ trình. Lộ trình như thế nào sẽ phụ thuộc vào SCIC, Bộ Tài chính và Chính phủ quyết định", vị này cho biết.

ba-mai-kieu-lien-nha-dau-tu-ngoai-se-khong-loai-bo-thuong-hieu-tot

Vinamilk sẽ nới room cho khối ngoại.

Giải thích thêm về chuyện nới room, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng, ban lãnh đạo công ty cũng đã rất trăn trở. "Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ số tiền lớn mua cổ phiếu Vinamilk cũng là vì thương hiệu. Chỉ riêng giá trị thượng hiệu Vinamilk đã là 7 tỷ USD rồi. Trong khi đó, phải mất 40 năm để gây dựng thương hiệu được như ngày hôm nay nên tôi nghĩ nhà đầu tư nước ngoài họ không dễ gì loại bỏ thương hiệu tốt như thế. Ngoài ra, Vinamilk sẽ có nhiều cơ hội hơn để vươn ra nước ngoài và trở thành thương hiệu đa quốc gia", bà Liên chia sẻ. 

Bà cũng cho biết thêm, hiện nay tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk mới chỉ 49% nên không thể niêm yết cổ phiếu trên sàn nước ngoài. Tuy nhiên, tương lai khi room cho khối ngoại được mở thì việc niêm yết ở sàn ngoại có thể xảy ra.

Với kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào 2017 mà công ty đặt ra, theo bà Liên là rất thách thức. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng của công ty luôn ở mức 20-30%, kế hoạch trên được xây dựng ở mức tăng bình quân 20% mỗi năm, dù tăng trưởng ngành chỉ 7-8%. Dẫu vậy, công ty sẽ nỗ lực mở rộng thị phần để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Về kế hoạch liên kết với các công ty ngoại để phát triển thị trường nước ngoài, lãnh đạo Vinamilk cho biết vẫn đang trong quá trình thực hiện. Tới nay, công ty cũng đang liên kết với những đơn vị có sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến. "Đối với việc mua bán sáp nhập, công ty cũng đang tiến hành một cách hiệu quả nhất chứ không làm bừa. Ví như, nếu công ty có giá trị 1.000 tỷ mà Vinamilk mua hơn 1.000 tỷ thì không đáng và doanh nghiệp sẽ không làm điều này", bà Liên nói.

Trấn an khi cổ đông lo lắng việc các nhà bán lẻ như Big C có yêu cầu tăng chiết khấu liên tục trong thời gian gần đây, bà Liên cho rằng đây là chuyện bình thường. Nếu siêu thị tăng chiết khấu mà làm giảm doanh thu thì chẳng có nhà phân phối nào muốn nên bà tin nhà phân phối cũng sẽ có cách thức điều chỉnh riêng, phù hợp. 

Chia sẻ thêm về thách thức và cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP, vị Tổng giám đốc cho rằng đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức vì khi đó hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, cái mà bà Liên lo sợ nhất lại là nguồn nguyên liệu sữa từ bà con nông dân. "Giá sữa trên thế giới thấp, giá sữa tại nông dân Việt Nam cao mà sản lượng thì thấp. Trong năm, Vinamilk đã hỗ trợ mua sữa cho nông dân tới 400 tỷ đồng. Cho nên chúng tôi hy vọng giá sữa tại người dân và nông trại sẽ phải bằng giá trên thế giới trong 3 năm nữa thì công ty sẽ dễ dàng cạnh tranh", bà Liên nói. 

Ngoài ra, bà cho rằng, hiện số lượng người Việt sử dụng sữa đang còn thấp nên đây sẽ là cơ hội để Vinamilk tập trung lượng lượng tăng thị phần. Đến nay, thị phần sữa bột trẻ em công ty đã chiếm 40% và đang tiến tới đạt trên 50% thị phần sữa nước. Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 6% so với 2015.

Cùng với đó tại cuộc họp, Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông phê duyệt kế hoạch điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư tài sản giai đoạn 2012–2016 từ 12.996 tỷ theo kế hoạch ban đầu xuống còn 12.500 tỷ. Trong đó, công ty sẽ điều chỉnh tăng còn các đơn vị khác như Lam Sơn milk, Bò sữa Việt Nam và các công ty con - liên kết khác đều điều chỉnh giảm. Ngoài ra, đại hội cũng thông qua thù lao cho ban lãnh đạo là 15 tỷ đồng.

Năm nay, Vinamilk sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Cổ tức đợt một năm 2016 sẽ được tạm ứng vào tháng 8-9 với tỷ lệ 40% và chi trả đợt 2 vào tháng 5-6/2017. Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, đơn vị này cũng sẽ phát hành và niêm yết cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 5:1. Số lượng cổ phần phát hành thêm phụ thuộc vào số cổ phiếu đang lưu hành tại ngày đăng ký cuối cùng theo danh sách của Trung tâm Lưu ký chứng khoán nhưng không quá 241,9 triệu cổ phần.

Đối với người lao động, công ty sẽ phát hành 9,4 triệu cổ phần theo chương trình ESOP theo chương trình lựa chọn cho nhân viên của tập đoàn, mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần. Năm 2015, Vinamilk đạt tổng doanh thu 40.223 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.770 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 28% so với 2014. Năm 2015, Vinamilk dành hơn 6.400 tỷ đồng để trả cổ tức, tương đương 82% lợi nhuận sau thuế.

Theo Thi Hà (VnExpress.net)