"Sóng gió này lớn tới mức phá bỏ tất cả"
Mỗi sáng thức dậy, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel mất ít nhất hơn 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể chi phí điện nước, trả lương cho gần 100 nhân viên của cả hệ thống.
4 trong tổng số 9 khách sạn mà chị gây dựng đã không hoạt động 2 tháng nay vì vắng khách.
Một chi nhánh của khách sạn tại 38 Lò Sũ đã phải đóng cửa, nhân viên nghỉ việc 4 tháng với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Lần cuối nó hoạt động là vào 23/2, khi mà số tiền thuê phòng thu được chưa đến 3 triệu đồng/ngày, trong khi chỉ tính riêng chi phí điện nước là 200.000 – 300.000 đồng.
Cách đó vài mét, một chi nhánh khác đang cầm cự với số nhân sự cắt giảm so với trước gần một nửa và họ chấp nhận mức lương "đồng giá" 4 triệu đồng/người, không phân biệt cấp bậc, vị trí, dù trước đó một đầu bếp được trả thù lao cao gấp 3 lần.
"Trận dịch Covid-19 này thật sự kinh khủng, hơn dịch SARS năm 2002 rất nhiều vì lây lan quá nhanh. Sóng gió này lớn tới mức phá bỏ tất cả sự cố gắng của doanh nghiệp xây dựng 20 năm qua.
Nếu như chúng tôi cầm cự được đến tháng 9 và bệnh dịch đẩy lùi thì còn có cơ hội. Bằng không, không biết sẽ thế nào", nữ doanh nhân lo lắng.
Khách nước ngoài, trong đó đa phần từ châu Âu đã bắt đầu hủy đặt phòng của Hanoi Emerald Waters Hotel từ hơn một tháng trước, khi tin dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc lan rộng. Khi dịch lan đến châu Âu, số người nhiễm tại Hàn Quốc tăng mạnh, tới 80% khách hủy phòng.
"Những vị khách đó họ muốn an toàn, điều đó là dễ hiểu. Nhưng chúng tôi thực sự đang lao đao. Ước tính con số thiệt hại hiện tại của khách sạn lên tới vài tỷ đồng.
Công ty có quỹ đủ cho 6 tháng hoạt động, nhưng đã tiêu hết số tiền của 3 tháng. Nếu 3 tháng còn lại, quỹ không tối ưu, chia nhỏ thì không thể trụ tiếp 6 tháng tiếp theo", vị Giám đốc chia sẻ.
Theo tính toán của bà Hằng, công suất phòng phải đạt 80% lấp đầy thì mới hòa vốn và 20% được gọi là lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp. Trong đó vẫn phải có phần trăm được dùng vào việc tái đầu tư như thay chăn, ga, gối (6 tháng/lần), sơn sửa khách sạn, mua sắm vật dụng nhà tắm, phòng vệ sinh…
Tuy nhiên hiện tại, những chi nhánh còn duy trì chỉ đạt công suất phòng 10 – 15%, khiến cho doanh nghiệp có thể sẽ phải tính đến chuyện tiếp tục đóng cửa thêm địa điểm nào đó thường xuyên vắng khách.
"Cách đây 2 tháng tôi đã gào thét, đập đầu vào tường vì sốc và không thể chấp nhận được điều đó. Nhưng giờ phải đối mặt để tìm hướng, tôi chỉ mong rằng một ngày nào đó dịch được kiểm soát và du lịch phát triển trở lại, chúng tôi sẽ có cơ hội", bà Hằng nói.
"Tôi vẫn sẽ theo công ty đến cùng"
Chấp nhận mức lương 4 triệu đồng, thậm chí thấp hơn nếu công ty gặp khó khăn trong thời gian tới vì dịch Covid-19, Gia Đạt, nhân viên lễ tân thuộc hệ thống khách sạn cho biết, anh sẽ tìm kiếm công việc làm thêm để tăng thu nhập vào khoảng thời gian rỗi.
"Thu nhập giảm một nửa thì không thể nói là không lo được, nhưng sẽ có cách khắc phục. Tôi vẫn sẽ theo công ty đến cùng", Đạt nói.
Cùng ca làm với Gia Đạt, một nhân viên khác chia sẻ, anh đang được chủ khách sạn hỗ trợ thuê phòng trống ở khách sạn để bớt chi phí thuê trọ. Nếu tình hình không sáng sủa hơn, anh cũng sẽ tìm kiếm một công việc part-time ngay tại phố cổ để thêm thu nhập.
Tình hình không mấy sáng sủa tại Hanoi Emerald Waters Hotel cũng đang là câu chuyện của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn thời Covid-19. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch, dù chưa đầy 2 tháng, tỷ lệ buồng phòng giảm 20-50%.
Các điểm đến như Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM sụt giảm mạnh, lên tới 50% lượng khách so với cùng kỳ. Dự kiến, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 và 3 sẽ giảm trên 60%. Con số này với khách nội địa có thể tới 80%.
Theo Hoàng Linh (Báo Dân Sinh)