ATM “nghỉ tết” sớm, dân bực rút tiền ngân hàng đóng phí

27/01/2016 09:38:50

Rút tiền bằng tài khoản ATM tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng bị mất phí, nhiều bạn đọc đã rất bức xúc cho rằng ngân hàng chỉ vì lợi nhuận của mình mà bỏ lơ quyền lợi của khách hàng.

Rút tiền bằng tài khoản ATM tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng bị mất phí, nhiều bạn đọc đã rất bức xúc cho rằng ngân hàng chỉ vì lợi nhuận của mình mà bỏ lơ quyền lợi của khách hàng.

Chỉ vì quyền lợi của mình bỏ lơ khách?

Chị Lê Thanh Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng vì không rút tiền được tại máy ATM nên họ mới phải vào chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để rút trực tiếp.

"Nay ngân hàng thu phí cho thấy họ chỉ vì lợi nhuận mà bỏ lơ quyền lợi của khách hàng. Tại sao ngân hàng không tính đến việc hưởng lợi từ tiền của người dân để trong thẻ?", chị Thanh Nga đặt câu hỏi.

Nhiều bạn đọc cũng cho rằng họ đồng ý việc trả phí với điều kiện dịch vụ ATM phải “ngon lành”. Nếu dịch vụ còn “ẩm ương” mà bắt người dân trả phí thì không công bằng.

Cùng có chung nỗi bức xúc với nhiều người dùng thẻ ATM, ông Phan Xuân Huyện (Cầu Giấy, Hà Nội) đồng ý trả phí rút tiền từ máy ATM trong trường hợp dịch vụ này phải được cải thiện.

“Để giảm tải cho máy ATM, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân rút tiền trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng. Như vậy, ngân hàng sẽ được lợi là không phải tiếp quỹ liên tục cho máy ATM.

Do đó, ngân hàng không nên thu phí của người dân, hoặc nếu có thu thì cũng bằng mức thu phí rút tiền tại máy ATM. Còn nếu thu phí như hiện nay thì chỉ ngân hàng lợi còn người dân bị thiệt và thấy bực mình” - ông Huyện than thở.

PGS.TS Phan Thị Thu Hà, khoa tài chính - ngân hàng ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), nói: “Theo quy định của Nhà nước, chúng tôi được trả lương qua thẻ và khi rút tiền chúng tôi phải trả phí cho ngân hàng từ chính tiền lương của mình. Tôi cho rằng không nên tính phí trên phần tiền lương mà cán bộ - công nhân viên như chúng tôi được hưởng”.

Chính sách riêng của từng ngân hàng

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng việc ngân hàng tính phí khi người dân đến rút tiền tại phòng giao dịch sau khi rút từ cây ATM không thành công là điều không nên.

Theo ông Kiêm, trách nhiệm của ngân hàng là đảm bảo máy rút tiền hoạt động thông suốt. Khi xảy ra sự cố làm người dân không rút được tiền và buộc phải đến phòng giao dịch, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bù đắp phần thiệt hại mà người dân phải chịu khi không rút được tiền từ cây ATM.

“Đây là chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng. Nếu ngân hàng nào tính phí thì khả năng cạnh tranh, khả năng thu hút khách hàng sẽ giảm đi. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, ngân hàng nào phục vụ tốt thì khách hàng sẽ vào nhiều và ngược lại”, ông Kiêm nhận định.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết tại Mỹ, ngân hàng phân định rõ hai loại tài khoản khi người dân gửi tiền.

Một loại là tài khoản tiền mặt (checking account), lãi suất không có và một loại là tài khoản tiết kiệm (saving account) có lãi suất.

Các tiền rút từ thẻ debit (bao gồm cả ATM) sẽ được trừ (debit) trực tiếp từ tài khoản tiền mặt. Ngân hàng sẽ có lợi khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản tiền mặt do không phải trả lãi. Do đó, các ngân hàng thường không thu phí với các khoản rút tiền từ thẻ debit.

“Không thu phí là cách để các ngân hàng giữ chân khách hàng. Các ngân hàng cần tính tới các lợi ích khác mà khách hàng mang lại chứ không nên dựa vào phí rút tiền”, PGS.TS Khôi chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, PGS.TS Phan Thị Thu Hà cho rằng ngân hàng cũng có những quan điểm riêng của họ về vấn đề thu phí đối với việc rút tiền từ cây ATM hoặc phòng giao dịch, chẳng hạn như việc phải trang bị hệ thống công nghệ, máy móc, vận hành bộ máy lớn để phục vụ khách hàng.

Do đó, theo PGS.TS Phan Thị Thu Hà, Nhà nước phải tính toán lại với hệ thống các ngân hàng, sao cho vừa thực hiện được chính sách của Nhà nước là trả lương qua thẻ, vừa đảm bảo người dân không mất phí khi rút tiền.

Khách hàng có quyền lựa chọn

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân nên tìm hiểu kỹ chính sách của từng ngân hàng trước khi đăng ký mở thẻ ATM.

“Khách hàng bây giờ có nhiều sự lựa chọn. Nếu cảm thấy dịch vụ, chính sách của ngân hàng nào tốt thì hãy dùng” - ông Kiêm nói.

Trong công văn chỉ đạo các ngân hàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Bính Thân 2016, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vừa chỉ đạo các ngân hàng cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt như hướng dẫn khách đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt.

Tuy nhiên, về mức phí thu đối với rút tiền tại chi nhánh, phòng giao dịch đối với tài khoản ATM, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định đây là chính sách của mỗi ngân hàng. Người dân nên lựa chọn ngân hàng nào có dịch vụ thẻ tốt nhất với mức phí phải chăng nhất.

Ngân hàng Vietinbank:

Rút tiền tại máy ATM từ 1 triệu đồng trở xuống/ngày thì miễn phí, còn trên 1 triệu đồng/ngày là 1.100 đồng/giao dịch

Rút tiền bằng tài khoản ATM tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng: 0,06%/tổng số tiền rút nhưng tối thiểu là 22.000 đồng/giao dịch.

Ngân hàng Agribank:

Giao dịch rút tiền tại máy ATM nội mạng thu phí 1.100 đồng/giao dịch.

Còn rút tiền tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng thì mức phí 0,03-0,07%/tổng số tiền rút, tùy từng chi nhánh, nhưng tối thiểu là 11.000 đồng/giao dịch.

Ngân hàng VPBank:

Rút tiền tại máy ATM của ngân hàng thì không mất phí.

Rút tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng trong 2 ngày khi nhận được tiền sẽ mất phí 0,03% nhưng tối thiểu là 10.000 đồng và tối đa 1 triệu đồng/giao dịch tùy theo tổng số tiền rút. Còn rút sau hai ngày kể từ khi nhận được tiền thì chủ thẻ sẽ không mất phí.

Ngân hàng Vietcombank

Phí rút tiền tại máy ATM là 1.100 đồng/giao dịch

Còn rút tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng thuộc địa bàn mở thẻ ATM thì không mất phí, còn rút khác địa bàn mở thẻ thì mất phí 0,03%/tổng số tiền rút và tối thiểu là 10.000 đồng/giao dịch.

vv…


Theo Võ Hương - Lê Thanh - An nhiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật