CTCP Vĩnh Hoàn do bà Trương Thị Lệ Khanh làm chủ tịch và sở hữu tới 43% vừa báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng với vị trí đứng đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, bỏ xa Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh.
Thủy sản Hùng Vương của “vua cá tra” một thời Dương Ngọc Minh không nằm trong top 5 các doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Theo báo cáo, xuất khẩu 6 tháng của Vĩnh Hoàn đạt 163 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng mạnh cho dù năm nay đã loại bỏ doanh thu từ một đơn vị khác sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này xuống còn 35%.
Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu cá tra sang Mỹ (chiếm 60%) và đây tiếp tục là thị trường lớn nhất của VHC, cho dù hồi cuối 2017 nữ hoàng cá tra đã tính tới phương án B, tập trung vào các thị trường mới, thay thế cho thị trường Mỹ đầy rủi ro về thuế nhập khẩu.
Trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 3, Vĩnh Hoàn của bà Lệ Khanh và Biển Đông là 2 doanh nghiệp may mắn khi được đóng mức thuế suất theo thỏa thuận (Vĩnh Hoàn hưởng thuế suất 0%), còn lại các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khác chịu mức thuế tăng sốc, thêm nhiều lần.
Mặc dù gặp thuận lợi từ thị trường Mỹ, nhưng Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh không bỏ quên thị trường mới là Trung Quốc với việc cung cấp các sản phẩm cá tra cho công ty TMall Fresh của Alibaba.
Với mức thuế suất sang Mỹ 0% và giá bán bình quân cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc khởi sắc, doanh thu của VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.
Trong 6 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VHC đã tăng mạnh. Tính từ cuối tháng 5, VHC đã tăng thêm khoảng 30%, từ dưới 50.000 đồng/cp lên 63.700 đồng/cp.
Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là chủ tịch HĐQT Thủy sản Vĩnh Hoàn và là cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 39,6 triệu phần VHC (gần 43%), trị giá khoảng 2.500 tỷ đồng.
Hiện bà Lệ Khanh nằm trong top 30 người giàu nhất trên TTCK, nhưng cũng từng là người phụ nữ đầu tiên tự lèo lái một doanh lọt vào tốp 10 tỷ phú chứng khoán Việt Nam. Bà Lệ Khanh từng vượt qua ông vua tôm Dương Minh Ngọc từng dính tin đồn người tình Mỹ Tâm để đứng số một trong lĩnh vực thủy sản.
Trái ngược với lo ngại của nhiều NĐT, một số doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn đang phát đi tín hiệu khá tốt. Cổ phiếu thủy sản tăng mạnh trong vài ngày qua.
Lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, thủy sản nói riêng không còn lớn như trước, thậm chí còn mang đến sự thuận lợi cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam
Gần đây, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá tra fillet và cá đông lạnh. Nếu Mỹ áp thuế cho ngành cá tra Trung Quốc thì Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh 2 thị trường nhất, nhì thế giới về tiêu thụ cá tra.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng vốn có dấu hiệu quay trở lại bắt đáy. Gần 5.000 tỷ đồng đã đổ vào các cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 18/7 giúp VN-Index tăng hơn 21 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng điểm, một số cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép,... cũng tăng trở lại.
Ở chiều ngược lại, khối ngoiaj tiếp tục bán ròng hơn 140 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào VIC, MSN, VJC,...
Bộ đôi HAG, HNG của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục tăng mạnh sau nhiều phiên tăng trần.
TTCK thế giới diễn biến tích cực hơn cũng tác động tốt tới chứng khoán Việt Nam.
Một số CTCK đưa ra dự báo mạnh dạn hơn, từ tích cực trong ngắn hạn sang xu hướng tăng trung hạn.
HSC cho rằng, VN-Index sẽ tăng tiếp khoảng 10-15% trong những tuần tới. BSC nhận định trạng thái thị trường đã bắt đầu có các tín hiệu phục hồi, trong khi VPBS cho rằng, thị trường có thể vào giai đoạn tăng trở lại nếu không có thêm yếu tố bất ngờ nào theo hướng xấu.
CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng, xu hướng tăng ngắn hạn tiếp tục phát triển mạnh và thị trường có thể sẽ chuyển sang xu hướng tăng trung hạn nếu như sự tích cực được duy trì trong các phiên sắp tới. Dòng tiền đang từng bước trở lại thị trường và len lỏi rộng khắp. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh quý II tốt và đã giảm sâu trong thời gian qua.
Kết thúc phiên giao dịch 18/7, VN-index tăng 21,12 điểm lên 942,39 điểm; HNX-Index tăng 2,1 điểm lên 106,93 điểm. Upcom-Index tăng 0,74 điểm lên 50,16 điểm. Thanh khoản đạt 280 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)