Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhấn mạnh cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa diễn ra đầu tháng 11 có thể tác động tới tỷ giá VND/USD thời gian tới.
Cụ thể, cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có quyết định chính thức về việc thu hẹp quy mô của gói nới lỏng định lượng (QE) bắt đầu ngay từ tháng 11/2021. Việc Fed giảm bơm đồng USD ra ngoài sẽ giúp đồng tiền này tăng giá và gây ra áp lực giảm giá đối với các đồng tiền khác, bao gồm VND. VND mất giá có thể là một rủi ro cần phải theo dõi trong thời gian tới.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đồng đã tăng giá khoảng 1,9% so với USD. Hiện tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại khoảng 22.540 đồng/USD chiều mua và 22.770 đồng/USD chiều bán, giảm khoảng 445 đồng/USD so với đầu năm, tương đương giảm 1,9%. USD trên thị trường tự do thì được phổ biến với giá 23.380 - 23.440 đồng/USD (mua vào – bán ra).
BVSC cho biết, phần lớn đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á có diễn biến giảm so với USD trong 10 tháng đầu năm 2021. Chỉ có VND và Nhân dân tệ là các đồng tiền tăng giá so với USD.
Trong khi đó, Chứng khoán SSI cho rằng, nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường tương đối cân bằng trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp tỷ giá VND/USD duy trì trạng thái ổn định.
Số liệu sơ bộ từ Tổng cục thống kê cho thấy cán cân thương mại trong tháng 10 thặng dư 1,1 tỷ USD, và thu hẹp cán cân thương mại lũy kế xuống còn nhập siêu khoảng 1,45 tỷ USD.
Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục trở lại. Số liệu sơ bộ của TCTK cho thấy kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 0,33% so với cùng kỳ (tháng 9 giảm 0,52%). Tốc độ nhập khẩu tăng thấp hơn (tăng 8,1% so với 10,2% trong tháng 9) và giúp cán cân thương mại nới rộng thặng dư 1,1 tỷ USD – từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, và đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp. Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng thu hẹp mức thâm hụt xuống chỉ còn -1,5 tỷ USD. Các nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tháng là thép (tăng 140%), dầu thô (tăng 150%), hóa chất (tăng 40,8%) và chất dẻo (tăng 62,9%). Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu truyền thống vẫn chưa có nhiều sự cải thiện như thủy sản (giảm 23,5% so với giảm 23,8% trong tháng 9), gỗ (giảm 39,2% so với giảm 39,5%) và giày dép (giảm 46,4% so với giảm 45,9%).