Trong ngành ngân hàng, một sinh viên mới ra trường với tấm bằng cử nhân cũng có thể kiếm được 100.000-150.000 USD/năm (tương đương 2,2-3,5 tỷ đồng) ở New York bao gồm cả lương và thưởng.
Nếu sở hữu bằng MBA, lương khởi điểm thậm chí còn có thể dao động ở mức 120.000-220.000 USD (tương đương 2,7-5 tỷ đồng). Thống kê nói trên được trang web Careers Infinance đưa ra.
Gần 3.000 người nhận lương năm 1 triệu USD
Đây mới chỉ là mức lương trung bình. Nếu xét trên toàn thể, lương nhân viên ngân hàng ở nhiều nước phát triển có thể chạm đến một con số "không tưởng".
Theo thống kê của EBA, Cơ quan ngân hàng châu Âu, số nhân viên ngân hàng có mức lương trên 1 triệu USD/năm (khoảng 22 tỷ đồng) đã lên tới gần 3.000 người.
Đáng chú ý, cũng theo thống kê trên, người đứng đầu danh sách thậm chí kiếm được tới 25 triệu USD/năm (568 tỷ đồng) nhờ làm việc ở ngân hàng, gấp 700 lần mặt bằng lương nhân viên ngân hàng thế giới do Glassdoor cung cấp.
Nghiên cứu cũng cho biết thêm những nhân viên thuộc ban lãnh đạo, ban cố vấn, bộ phận kinh kinh doanh vốn và ngoại hối và tín dụng là những vị trí có mức lương cao nhất. Những bộ phận này đòi hỏi nhiều kỹ năng và trách nhiệm hơn so với các vị trí khác.
Trong khi đó, theo một thống kê của CNBC, một người chỉ cần khoảng 60.000 USD/năm (tương đương hơn 100 triệu đồng/tháng) để có một cuộc sống dư dật tại các thành phố lớn như New York, London hay Paris.
Như vậy, chỉ bằng một phép tính đơn giản cũng có thể thấy một nhân viên ngân hàng ở nước ngoài có thể tích lũy một nửa, thậm chí 2/3 thu nhập hàng năm của mình.
'Trực chiến' 24/7, không có ngày nghỉ cuối tuần
Tuy nhiên, lương cao đi đôi với áp lực lớn. Phần lớn nhân viên ngân hàng đều có cường độ làm việc rất căng thẳng, chịu nhiều áp lực từ cả phía lãnh đạo và khách hàng.
Theo một thống kê của Metlife - công ty bảo hiểm uy tín tại Mỹ - 95% nhân viên ngân hàng cho biết họ phải "trực chiến" với công việc 24/7 và gần như không có ngày nghỉ trong tuần. Rõ ràng, nhân viên ngân hàng được trả lương cao vì phải làm việc dưới áp lực lớn nhưng có vẻ mọi thứ đang đi quá xa so với sức chịu đựng của họ.
Một nửa các giám đốc ngân hàng trong nghiên cứu của Metlife cho biết công việc của họ đã trở nên căng thẳng hơn nhiều so với vài năm trước. 40% nhận định công việc cực kỳ stress. 30% số giám đốc được hỏi thậm chí còn có ý định bỏ việc trong năm kế tiếp nếu như vấn đề áp lực căng thẳng không thuyên giảm.
Căng thẳng chồng chất căng thẳng, áp lực tiếp nối áp lực nhưng các nhân viên ngân hàng phần lớn không thể chia sẻ giãi bày khó khăn của họ với cấp trên.
Theo News.e.financialcareers, chỉ 23% nhân viên có thể thổ lộ khó khăn của mình với quản lý. 77% còn lại cho rằng sẽ "dễ sống" hơn nếu chỉ giữ im lặng và tiếp tục làm việc của mình.
Tự sát vì áp lực
Những áp lực từ công việc này thực tế đã dẫn đến nhiều hệ lụy.
Năm 2013-2014, thế giới đã chứng kiến 3 vụ tự sát chỉ trong 17 tháng của 3 nhân viên ngân hàng đến từ các trung tâm tài chính lớn như New York, London và Italy. Lý do bắt nguồn từ hiện tượng làm việc quá tải và những áp lực lớn trước các rủi ro tài chính - vốn đặc thù trong công việc của họ.
Để giảm bớt căng thẳng công việc, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các chương trình nhằm duy trì sức khoẻ tâm thần tích cực cho nhân viên.
Cũng theo nghiên cứu của Metlife, 67% số người trả lời cho biết tổ chức tài chính của họ cung cấp một số mức đào tạo để giúp họ đối phó với căng thẳng trong công việc và 88% thừa nhận họ có quyền tiếp cận với các chương trình tư vấn.
Bên cạnh đó, 44% cho biết họ bắt đầu được làm việc với giờ giấc linh hoạt hơn, nhờ đó có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao và giảm stress hiệu quả.
Theo Hà Linh (Tri Thức Trực Tuyến)