Theo báo cáo kết quả đo lường của Bloomberg, người Hà Nội mất tới 12% chi phí hằng ngày cho bữa sáng.
Cũng theo báo cáo này, các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu - nơi có nền kinh tế phát triển nhất lại chi phí dành cho bữa sáng thấp nhất (dưới 1,8% thu nhập hằng ngày). Ở châu Á, mức chi này của người dân Osaka - Nhật Bản chỉ là 1% trong khi thu nhập trung bình của người Hà Nội chỉ bằng 1/8 thu nhập trung bình của người dân ở Osaka.
Chia sẻ về kết luận này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn nói: “Nhìn vào những con số trên, nếu đúng thì quả thật người Việt đang lãng phí về thời gian, tiền của cho bữa ăn sáng. Người Hà Nội nói riêng, người các thành phố lớn nói chung của nước ta đang ngày càng "chịu chơi và chịu chi" cho bữa sáng”.
Ông phân tích, những năm gần đây, nhiều người thường kết hợp ăn sáng với gặp gỡ đối tác rồi bàn công việc. Họ cũng có thể hẹn hò với bạn bè ở các quán điểm tâm, uống cà phê. Ở những quán lịch sự, giá cả cũng rất khác bởi dịch vụ, cảnh quan... khiến giá cả cao hơn nhiều so với những quán bình dân có chất lượng đồ ăn tương tự.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay vẫn còn bộ phận không nhỏ công chức, viên chức ăn sáng rất đơn giản, gọn nhẹ. Tuy vậy, vẫn có một số công chức sáng đến nơi làm việc rồi bỏ vị trí đi ăn sáng, ngồi la cà, gây lãng phí về thời gian, tiền của.
Ở góc độ văn hóa, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, ở các nước khác nhau, nên văn hóa ăn sáng cũng khác nhau. Có nơi người dân ăn nhanh, ăn ít, có nơi người dân ăn rất lâu và tốn. Đối với người Việt, hầu hết nguồn chi của người dân dành cho ăn uống sau đó mới chi đến các việc khác như học hành, chữa bệnh, giải trí.
“Thu nhập chỉ chi phí cho ăn uống là phản ánh cuộc sống vẫn còn nhọc nhằn của người Việt”, TS. Sơn nói.
Đối với người Việt, hầu hết nguồn chi dành cho ăn uống |
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết, ngày xưa, văn hóa ăn sáng của người nông dân có 2 hình thức (không ăn sáng) và ăn sáng theo kiểu tạm bợ, tiết kiệm (ăn củ khoai, củ sắn,…). Ngày nay văn hóa ăn sáng của người Việt đã thay đổi theo thời gian, ăn sáng theo nhu cầu hoặc phụ thuộc vào công việc.
Theo ông Sơn, muốn xóa bỏ định kiến người Việt "chịu ăn chịu chơi", cần tiết kiệm, tăng nguồn thu, tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tận dụng văn hóa tiết kiệm có từ xa xưa.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, kết luận về chi phí cho bữa của người Hà Nội đắt đỏ nhất thế giới chưa đầy đủ vì thu nhập của người Việt thấp hơn so với các nước được khảo sát.
Theo ông Chất, mọi người cũng không nên hiểu sai về kết luận này vì tiêu chí đưa ra khập khiễng. Do đó, không thể kết luận người người Việt ăn sáng đắt còn các nước khác ăn sáng rẻ. Khái niệm đắt/rẻ còn phải phụ thuộc vào thu nhập của người dân.
Ông Chất cũng khuyến cáo mọi người nên tính toán, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, ăn đủ theo nhu cầu, tránh bỏ thừa lãng phí.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)