Được thành lập vào năm 1994 với ý tưởng ban đầu là một cửa hàng sách trực tuyến, Jeff Bezos biến Amazon thành một công ty thương mại điện tử khổng lồ, định hình lại thị trường bán lẻ toàn cầu với doanh thu mỗi năm cao hơn GDP của một nửa các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh thị trường bán lẻ trực tuyến, Amazon còn sở hữu nền tảng điện toán đám mây lớn nhất thế giới cùng nhiều sản phẩm khác như nền tảng stream nhạc, video, ổ đĩa trực tuyến. Năm 2017, công ty của Jeff Bezos vừa thâu tóm Whole Foods, một trong những công ty bán lẻ thực phẩn lớn nhất nước Mỹ với giá 13,4 tỷ USD, tuyên chiến với các công ty bán lẻ truyền thống như Walmart.
Những ý tưởng tiên phong
Amazon được thành lập khi mà người dân Mỹ còn chưa có nhiều ý niệm về việc mua sắm online, nhất là khi lúc đó Internet không phổ biến và nhiều người còn không có máy tính để dùng.
Bezos là một trong số ít những người nhận ra cuộc cách mạng mà Internet đang đem đến cho con người, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi đã giật mình sau khi đọc báo cáo các số liệu về việc sử dụng Internet vào năm 1994, con số tăng 2.300% mỗi năm. Bạn biết đấy, không thể có những thứ tăng trưởng nhanh như vậy được. Điều đó cực kỳ bất thường, tôi nghĩ sẽ chẳng thể có một chiến lược kinh doanh nào có lý đối với sự tăng trưởng vô lý như vậy".
Trong vòng 5 năm đầu tiên, lượng khách hàng của công ty tăng từ 200.000 thành viên lên 5,4 triệu thành viên. Doanh thu cũng nhảy vọt từ 511.000 USD lên hơn 1,6 tỷ USD.
Các nhà đầu tư lớn đã đổ xô đến công ty trong bối cảnh làn sóng Internet đầu tiên diễn ra. Amazon phát hành cổ phiếu vào năm 1997, thu về 54 triệu USD và biến Bezos trở thành một trong những người giàu nhất trên thế giới trước 35 tuổi.
Thành công của Amazon cũng có dấu ấn đậm nét của việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của việc vận hành công ty, phục vụ khách hàng, sản phẩm. Máy tính bảng kindle, hệ thống điện toán đám mây, dịch vụ stream nhạc, phim và thậm chí cả phần mềm trợ lý ảo Amazon Echo giúp việc mua sắm chỉ cần bằng lời nói.
Biến canh bạc mạo hiểm thành nguồn doanh thu khổng lồ
Cây viết Peter Cohan của tạp chí Forbes nhận xét điều khiến Amazon thành công trong kinh doanh là khả năng biến những canh bạc mạo hiểm trở thành những nguồn doanh thu khổng lồ cho công ty. Hầu hết thương vụ đầu tư của Bezos đều sinh lời hoặc có khả năng sinh lời trong tương lai.
Từ gần 10 năm trở lại đây, Amazon luôn giữ mức tăng trưởng 20% một năm, một mức độ được cho là khó tin với một tập đoàn khổng lồ như vậy. Điển hình là những tập đoàn như GE hay IBM đã vật lộn chỉ để giữ được mức tăng trưởng trung bình.
Bên cạnh đó, đế chế bán lẻ này liên tục có các thỏa thuận hợp tác với các thương hiệu hàng đầu trên thế giới như Toy "R" Us trong lĩnh vực đồ chơi trẻ em, Nike cho danh mục đồ thể thao, DC Comics để độc quyền cung cấp các sản phẩm của họ trên chợ thương mại điện tử của mình.
Ngoài ra, công ty của Bezos còn rất mát tay trong việc chiếm lĩnh những phân khúc mới, hệ thống điện toán AWS của Amazon cung cấp cho rất nhiều công ty trên thế giới, mỗi năm đem lại doanh thu khoảng 5,4 tỷ USD. Thương vụ mua lại Whole Foods ngay lập tức giúp giá trị công ty tăng lên thêm 4,52 tỷ USD.
Tháng 5/2017, cổ phiếu của Amazon chạm ngưỡng 1.000 USD/ cổ phiếu, đạt mức tăng trưởng kỷ lục 40% năm. Thậm chí ông Cohan còn dự đoán giá trị cổ phiếu của công ty có thể tiếp tục tăng và sẽ đạt mức 2.000 USD trong năm 2019.
Nhân viên là chủ công ty, không phải người làm thuê
Một trong những giá trị Amazon luôn được đánh giá cao là chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Vời nền tảng luôn lấy khách hàng làm trung tâm, mọi công cụ, phần mềm đều được tạo ra để phục vụ cho khách hàng có thể mua sắm thuận tiện và nhanh chóng.
Amazon là nền tảng mua sắm đầu tiên có sự niêm yết giá rõ ràng, so sánh giá của từng thương gia, các chi phí vận chuyển, thuế đều được tính toán và giúp khách hàng đưa ra những lựa chọn mua sắm khôn ngoan và ít tốn kém nhất.
Bên cạnh đó, đúng như khẩu hiệu mà Jeff Bezos muốn Amazon hướng tới "Bạn có thể tìm thấy mọi thứ trên Amazon", khách hàng có thể lựa chọn mọi mặt hàng hay đúng hơn là tất cả mọi thứ bạn có thể nghĩ tới trên Amazon. Thậm chí cả những mặt hàng xa xỉ như đồng hồ Rolex và nhẫn kim cương.
Theo Business Insider, thậm chí khách hàng không hài lòng với sản phẩm hay dịch vụ của Amazon có thể email trực tiếp cho CEO Jeff Bezos để phàn nàn. Những mail đó thường sẽ được ông chuyển đến những nhân viên có trách nhiệm ở khu vực đó kèm theo một dấu hỏi.
Năm 2017 cũng là dấu mốc lịch sử của công ty, lần đầu tiên Amazon đạt 100 triệu thành viên cao cấp (prime membership). Những khách hàng này sẽ phải đóng 1 khoản là 99 đôla mỗi năm, đổi lại họ sẽ được miễn phí vận chuyển cho hơn 100 triệu mặt hàng cùng với thời gian vận chuyển cam kết là 2 ngày.
Sở hữu khoảng 560.000 nhân viên trên toàn thế giới (ngang ngửa với dân số của Luxemburg), Amazon luôn đề cao việc thưởng cho nhân viên bằng cổ phần thay vì tiền mặt và luôn muốn họ làm việc với ý niệm "họ là chủ của công ty chứ không phải người làm thuê".
Tác giả Brad Stones viết trong cuốn sách Sự ra đời của Amazon, kể về sự kinh hoàng khi nhân viên của Bezos nhận được những bức thư kiểu như vậy: "Khi nhân viên nhận được email kèm dấu hỏi chấm, họ sẽ phản ứng như thể họ nhận được bom nổ chậm vậy. Dù cho vấn đề là gì, họ sẽ chỉ có vài giờ đồng hồ để sửa chữa và chuẩn bị một bài giải trình chi tiết trước quản lý trực tiếp, trước khi được trình lên Bezos".
Theo tác giả đây là cách Bezos duy trì sự ảnh hưởng và tiếng nói của khách hàng trong công ty.
Những thành công của họ thậm chí còn làm chính họ bất ngờ
Với số lượng khách hàng xấp xỉ dân số nước Mỹ (320 triệu so với 325 triệu), doanh thu hàng năm lớn hơn GDP nhiều quốc gia trên thế giới, giá trị tài sản 1.000 tỷ USD còn lớn hơn nền kinh tế cả một quốc gia. Amazon được đánh giá đang sở hữu quá nhiều nguồn lực khổng lồ trong tay.
Thomas Paulson, một chuyên gia phân tích đầu tư ở Minneapolis, người đã theo dõi Amazon hơn 17 năm qua cho biết: "Những thành công của họ thậm chí còn làm chính họ bất ngờ".
Amazon cũng là công ty có bước nhảy vọt về doanh thu nhanh nhất. Họ chỉ mất 3 năm để nhảy từ 100 tỷ đôla/năm lên 200 tỷ đôla/năm. Trong khi Apple mất đến 5 năm, Walmart mất 6 năm.
Viết trong một bức thư gửi đến cổ đông hàng năm, ông Bezos lý giải tốc độ tăng trưởng kinh hoàng của công ty là "một đặc trưng truyền thống của Amazon" và "sự thành công của Amazon dựa chủ yếu vào quy mô của nó".
"Chúng ta hướng đến khách hàng hơn là hướng đến các đối thủ cạnh tranh, khao khát được phát minh, được tiên phong, sẵn sàng gục ngã, sự kiên nhẫn để hướng đến chiến lược dài hơi, và sự chuyên nghiệp, kiêu hãnh trong chất lượng công việc", ông Bezos viết.
Thậm chí, những người đứng đầu của Amazon còn lo ngại với mức độ tăng trưởng này, công ty sẽ không tuyển đủ người cho những tham vọng của họ trong tương lai. Những nhà tuyển dụng của Amazon đã bắt đầu đi lùng sục khắp các trường học tại Mỹ để tìm kiếm nhân viên. Những nhà kho khổng lồ của họ thường rơi vào tình trạng thiếu nhân côn với yêu cầu khoảng 1.300 người mỗi nhà kho.
Scott Galloway, giảng viên Đại học New York môn marketing và là tác giả của cuốn sách “The Four” so sánh những chiến lược kinh doanh của 4 gã khổng lồ Amazon, Apple, Facebook và Google cho rằng Amazon là tập đoàn có khả năng cán mốc 1.000 tỷ USD giá trị đầu tiên trên thế giới.
Ông Galloway đánh giá: "Trong 3 cuộc chiến khốc liệt nhất, về nhận diện giọng nói, trí tuệ nhân tạo và truyền thông, Amazon đang thắng trên cả 3 chiến trường này. Nếu có một người sẽ bứt tốc vượt ra khỏi nhóm 4 tập đoàn này, thì đó chỉ có thể là Amazon".
Và thực tế họ đã làm được điều đó vào tháng 4/2018.
Theo Sơn Hà (Tri Thức Trực Tuyến)