Chia sẻ số liệu mới nhất tại sự kiện diễn ra sáng 8/12, ông Gijae Seong - Giám đốc quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, cộng đồng nhà bán hàng Amazon tại Việt Nam đang có hơn 100.000 thành viên.
Theo ông Gijae Seong, xuyên suốt Covid-19, các nhà bán hàng đã vượt qua khó khăn và đón đầu xu thế về nhu cầu những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như dụng cụ nhà bếp, đồ thể thao và trang trí nhà cửa. Đặc biệt, nền tảng này cũng đã kết hợp với một số nhà bán hàng xuất khẩu khẩu trang y tế bán trên Amazon Mỹ.
"Khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ cũng là 3 nhóm sản phẩm mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa trong năm 2021", vị này nói.
Trước khi nổi lên với các sản phẩm đồ bảo hộ y tế chống dịch, gia dụng phục vụ cho người dân nước ngoài phải ở nhà nhiều hơn, Amazon đánh giá các nhà bán hàng Việt Nam khá thành công và phát triển doanh số không ngừng với các mặt hàng như thời trang cho phụ nữ và trẻ em; sản phẩm trang trí nhà và văn phòng; túi gỗ; thiệp 3D; hoa giấy.
Không chia sẻ con số cụ thể nhưng Amazon cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ghi nhận những thành tích vượt trội trong ngày hội mua sắm Black Friday và Cyber Monday vừa qua. Ông Trần Văn Tươi, CEO Công ty Sea Grapes, cho biết 2020 là năm đầu tiên tham gia lễ hội mua sắm Black Friday và Cyber Monday của Amazon. Doanh số bán hàng của công ty ông tăng 300% so với ngày thường và vượt mốc 500% trong ngày Lễ Tạ ơn.
"Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội và tiềm năng. Chính vì vậy Amazon đã đầu tư mạnh mẽ và mở rộng không ngừng trong những năm gần đây. Việt Nam có thế mạnh về các ngành sản xuất và một lượng lớn các nhà bán hàng có kế hoạch kinh doanh nhanh nhạy", ông Eric Broussard, Phó chủ tịch dịch vụ hỗ trợ bán hàng Amazon Global Selling toàn cầu nhận xét.
Tại sự kiện trực tuyến, Amazon Global Selling cũng đã công bố ra mắt Trung tâm Thông Tin bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng như chính thức thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội, nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn khởi nghiệp Thái Vân Linh cho rằng, thế giới đang tiến tới một xã hội thanh toán không tiền mặt, khi mọi hoạt động đều diễn ra trên kênh thương mại điện tử. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định vẫn còn 3 rào cản khiến một số doanh nghiệp khó nắm bắt cơ hội.
Thứ nhất là kiến thức và kỹ năng. Ngoài những kiến thức về lĩnh vực xuất khẩu, quy trình xuất nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu biết những công cụ đặc thù của thương mại điện tử.
Thứ hai là định vị sản phẩm và thương hiệu. Xuất khẩu qua thương mại điện tử là hướng đến người dùng cuối, doanh nghiệp cần nắm bắt thị hiếu người dùng nước ngoài chứ không chỉ trong nước.
Thứ ba, bà Việt Anh cho rằng bán hàng trực tuyến xuyên biên giới đòi hỏi tương tác trực tiếp với khách hàng nên rào cản về văn hoá và ngôn ngữ là đáng kể, nhất là khi đa phần nhà bán hàng Việt Nam thuộc quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Viễn Thông (Vnexpress.net)