Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm và xôn xao xung quanh thông tin về tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ), nhất là sau khi cơ quan chức năng chính thức lên tiếng về việc cấm tiêu thụ và mua bán mặt hàng này vì những tác hại của nó tới môi trường sinh thái.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm soát việc mua bán tôm càng đỏ (tôm hùm đất). Theo đó, nhà chức trách khẳng định loài tôm này không có tên trong Danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh và là sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm.
Chính vì vậy, mọi hoạt động kinh doanh, tiêu thụ liên quan tới loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật, đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học và thủy sản.
Ngay sau khi những cảnh báo về tôm hùm đất được lan truyền trên MXH, nhiều cư dân mạng cũng như các diễn đàn, hội nhóm đồng loạt kêu gọi cộng đồng hãy tỉnh táo, dừng ngay việc sử dụng cũng như buôn bán, tiêu thụ loại thực phẩm nguy hại này.
Không những thế, một số cư dân mạng thậm chí còn cho rằng việc không ăn tôm hùm đất là thể hiện sự "văn minh", đồng thời kêu gọi tẩy chay loại thực phẩm này và cả những nhà hàng cung cấp các món ăn chế biến từ tôm hùm đất.
Chưa cần bàn tới sự nguy hại của tôm hùm đất với môi trường hay đa dạng sinh học, loại thực phẩm này cũng bị người dùng đánh giá rất thấp về mặt ẩm thực. Theo chia sẻ của nhiều người, món tôm hùm đất thực tế cũng không quá ngon như những gì được các nhà hàng quảng cáo.
Những người đã từng thử qua món ăn này nhận định, tôm hùm đất có phần thịt rất "khiêm tốn" so với vẻ bề ngoài của nó. Vỏ thì cứng, bóc muốn rời tay nhưng sau đó lập tức "tiu nghỉu" bởi miếng thịt tôm tí teo trong tay. Xét về hương vị, tôm hùm đất bị nhiều người chê nhạt, thua xa những loại tôm, tép nội địa bình dân.
"Mình đã từng mua loài tôm này về nấu lẩu vì ấn tưởng với vẻ ngoài rất đẹp mắt của nó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng mình ăn. Ngoài việc đẹp ra thì vỏ tôm rất dày trong khi thịt chẳng được bao nhiêu, vị cũng nhạt nhẽo lắm. Ngay lúc đó, mình đã ước gì có thể đổi 10 cân tôm hùm đất chỉ để lấy 2 cân tôm đồng ăn cho đã miệng...", bạn K. A. chia sẻ.
Trong khi đó, bạn T. H. chia sẻ: "Ngay từ đầu mình đã không có ấn tượng tốt về loại tôm này rồi. Quảng cáo là tôm hùm mà giá có khi chưa tới 300k, nghe đã giống một "cú lừa" rồi. Quan điểm của mình, nước ta có rất nhiều thủy, hải sản cực ngon mà còn chưa ăn hết. Mấy loài ngoại lai chẳng mấy bổ béo này ư, nên cạch mặt!".
Nhiều người còn so sánh tôm hùm đất với đại dịch ốc bươu vàng trước đây. Bạn Q. T. có chia sẻ cảnh báo: "Mình còn nhớ hồi bé, lúc ốc bươu vàng còn lạ lẫm với dân ta. Bố mẹ mình và hàng xóm thậm chí còn mang về nuôi như quý giá lắm, cho tới khi không thể kiểm soát nổi và trở thành "thảm họa", tàn phá mùa màng. Con tôm này nó còn khỏe hơn cả ốc bươu vàng nữa, chẳng may để nó lọt ra ngoài cánh đồng thì nguy to!".
Được biết, tôm hùm đất là loài có sức sống rất mãnh liệt, có thể mọc lại càng mới khi bị đứt, có thể sinh sôi nảy nở ở những điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt. Vì thế, ngay cả khi được nuôi tại Trung Quốc hay Mỹ, loài tôm này cũng được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt.
Trước khi các cảnh báo được đưa ra, tôm hùm đất được bán tràn lan trên thị trường với giá bán sỉ 200.000 - 230.000 đồng/kg, giá bán lẻ dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại. Mặt hàng này từng được các nhà hàng ở Hà Nội, Sài Gòn nhập về tương đối nhiều vì đang gây sốt trên thị trường.
Để ngăn tôm hùm đất vào nước ta, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này qua các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tuần, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 vụ vi phạm với tổng số lượng lên đến 945 kg tôm hùm đất nhập lậu.
TÁC HẠI CỦA TÔM HÙM ĐẤT
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tôm hùm đất là loài thủy sinh nguồn gốc ngoại lai có hại, ăn tạp, sống rất khỏe, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.
Sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng:
Tôm hùm đất ăn nhiều loại thức ăn như mùn, bã hữu cơ, ngũ cốc, rau quả, cỏ non, rong tảo, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến… Do đó, nó là đối thủ cạnh tranh nguồn thức ăn với nhiều loại thủy sản khác, phá hại lúa và các loại rau củ. Đồng thời, có thể tiêu diệt các loại con giống thủy sản và là tác nhân lây nhiễm bệnh nấm tôm, bệnh đốm trắng cho tôm bản địa.
Khả năng sống khỏe, phá hoại môi trường:
Tôm hùm đất có thể đào hang trú ẩn sâu tới 1-2 mét, gây tổn hại tới hệ thống kênh mương, gây vỡ và sạt lở bờ đập, ao nuôi tôm cá. Chúng có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0-37 độ C. Tôm hùm đất có tuổi thọ cao, lên tới hàng chục năm và có thể tự tái tạo chân, càng nếu bị đứt.
Phát triển loài nhanh, khó tiêu diệt triệt để:
Tôm hùm đất có khả năng sinh sản nhanh chóng và thích ứng với các biến động môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, độ chua mặn của đất. Nếu môi trường sống hiện tại của chúng thiếu oxy, nước sạch, thức ăn…, chúng có thể bò sang nơi khác nên có khả năng phát tán nguy hiểm.
Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên – Môi trường, tôm hùm đất được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại nên Không được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Quan Lê (Helino)