Một điều tra viên Công an TP Nha Trang cho biết, cơ quan công an vẫn tiếp tục triệu tập những người liên quan trong vụ chuyển nhượng đáng ngờ ngôi nhà 18 Bạch Đằng của cụ Háo lên làm việc. Điều tra viên này xác nhận, đã lấy lời khai của bà Trương Thị Tín (53 tuổi, quê Quảng Nam), người giúp việc của cụ Háo. Trong ngày, PV đã nhiều lần liên lạc nhưng bà Tín tắt máy.
Trước đó mấy ngày, sau khi phát hiện giấy chứng nhận nhà, đất (GCN), sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của cụ Háo bị mất, nhiều người đã yêu cầu bà Tín cùng một vài người liên quan đến nhà cụ Háo giải thích, tường trình lại sự việc và đã quay clip.
Trong các cuộc trao đổi, một phụ nữ tên Lan kể: Bà Tín đem GCN của cụ Háo đến thế chấp, xin vay 150 triệu đồng của bà. Tuy nhiên, do GCN này ghi tên hai người đồng sở hữu là cụ Háo và em ruột là Lê Thị Chỉnh (đã mất) nên bà Lan chỉ cho bà Tín mượn 10 triệu đồng.
Trong giấy mượn tiền, người mượn là bà Tín nhưng phần người ký tên lại ghi là Lê Thị Háo. Trong giấy này, bà Tín ghi rõ: “Tôi cam đoan việc mượn tiền và thế sổ chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Lê Thị Háo là đúng sự thật”, dù sau đó bà Lan đã trả GCN lại cho bà Tín.
Cụ Lê Thị Háo đau buồn khi biết ngôi nhà của mình đã bị lừa chuyển nhượng cho người khác. |
Biết bà Tín không vay được tiền của bà Lan, một người đàn ông đã dẫn mối cho bà Tín đem giấy tờ của cụ Háo đến thế chấp vay tiền của một phụ nữ tên Liên. Bà Liên hai lần đưa tiền cho bà Tín vay tổng cộng 150 triệu đồng. “Sau đó, nó đem giấy tờ của cô Háo đi đâu, làm gì thì tui không biết” - bà Tín nói trong clip.
Những người thân với cụ Háo truy tìm, phát hiện nhiều văn bản liên quan đến việc sử dụng GCN, giấy tờ của cụ Háo tại Văn phòng Công chứng Hoàng Huệ-Phạm Tuấn (HH-PT, TP Nha Trang). Trong đó có “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, được lập tại văn phòng công chứng này với nội dung cụ Háo chuyển nhượng diện tích đất ở cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng cho ông Nguyễn Hoàng Trung, ngụ khu tập thể BV 87, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang.
Một cán bộ Công an TP Nha Trang cho biết, ông Trung hiện đang công tác tại Công an tỉnh Khánh Hòa.
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên Văn phòng Công chứng HH-PT, thừa nhận đã thực hiện công chứng các văn bản liên quan đến ngôi nhà của cụ Háo. Toàn bộ các văn bản được soạn tại văn phòng công chứng.
Đó là “văn bản khai nhận tài sản thừa kế” được chứng thực ngày 25/7, trong đó ghi cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh, với tài sản là ngôi nhà trên. Một văn bản khác là di chúc cụ Háo để lại ngôi nhà cho người giúp việc Trương Thị Tín, được công chứng ngày 19/7, tức trong thời gian niêm yết văn bản khai nhận thừa kế.
Bà Huệ cho hay, không nhớ cụ Háo đi với ai khi đến văn phòng công chứng. “Tôi hỏi bà có chồng con không, cụ Háo nói không. Cụ Háo yêu cầu làm di chúc, nói là sợ không ai chăm sóc nên để lại cho cháu” - công chứng viên Huệ nói.
Vì sao ở mục người nhận tài sản thừa kế trong di chúc này chỉ ghi tên bà Tín nhưng không ghi địa chỉ, số chứng minh nhân dân? Bà Huệ giải thích: “Chúng tôi không yêu cầu được. Khi làm di chúc thông thường người ta không cho người khác biết. Tôi hỏi kỹ là để tài sản lại cho ai thì cụ Háo đọc tên bà Tín. Tôi hỏi địa chỉ của bà Tín thì cụ Háo nói không nhớ”.
Về hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà được công chứng cũng trong ngày 25/7, bà Huệ kể: “Cụ Háo và ông Trung thỏa thuận bên ngoài rồi hai bên đến văn phòng công chứng cùng một lúc. Cụ Háo yêu cầu hủy di chúc để bán nhà. Tôi hỏi cụ Háo đồng ý bán chưa, bà nói tôi đồng ý. Tôi hỏi cụ thoải mái chưa, cụ nói thoải mái”.
Công chứng viên Hoàng Thị Huệ cũng nhiều lần khẳng định không nhìn thấy việc hai bên giao nhận tiền mua bán nhà. “Việc giao tiền do hai bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm. Công chứng viên không biết, không liên quan. Việc giao nhận giấy tờ cũng vậy, tôi không chứng kiến”.
Bà Huệ cũng thừa nhận, ngày công chứng hủy di chúc và công chứng hợp đồng chuyển nhượng có mặt bà Tín. Theo bà Huệ, việc bà Tín ký vào bản chính hợp đồng chuyển nhượng lưu tại phòng công chứng với tư cách người làm chứng là theo yêu cầu của bên mua, tức ông Trung.
Tài liệu thu thập được của PV cũng cho thấy người giúp việc Trương Thị Tín luôn xuất hiện trong các cuộc làm giấy tờ, giao dịch ngôi nhà trên.
Đã ngăn chặn giao dịch liên quan đến ngôi nhà cụ Háo
Chiều 15/8, ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Nha Trang, cho biết cơ quan này đang thực hiện các thủ tục ngăn chặn mọi sự giao dịch liên quan đến ngôi nhà 18 Bạch Đằng theo yêu cầu của cụ Lê Thị Háo.
PV đặt một loạt câu hỏi như: Ai là người đến đề nghị làm lại GCN đứng tên cụ Háo, ai là người đến nhận GCN này? Vì sao chỉ trong ba ngày GCN ngôi nhà của cụ Háo đã làm xong, nhanh một cách bất thường?... Ông Đạt cho biết cơ quan này đang kiểm tra hồ sơ ngôi nhà trên rồi sẽ thông tin cho báo.
Tín chỉ đưa tôi đến Văn phòng Công chứng HH-PT một lần duy nhất. Khi tôi bước vào phòng đã có một số người chờ sẵn. Họ đưa giấy để tôi lăn tay, tôi nói không mang theo kính nên không đọc được, nhưng Tín cứ cầm tay tôi ấn vào. Tôi không hề biết gì về mua bán nhà, cũng không hề nhận tiền của ai. Cụ Lê Thị Háo (Nói với PV chiều 15/8) |
Theo Tấn Lộc (Pháp Luật TPHCM)