Chính phủ gửi thông điệp mạnh mẽ tới 12 dự án thua lỗ “ngốn” tới gần 3 tỉ USD theo hướng buộc thay thế người đứng đầu, xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan là điều dân mong bấy lâu nay.
Dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex), một trong những dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư - Ảnh: Tiến Thắng |
Như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, công thức chung của các đại dự án này là “lập dự án thì khả quan nhưng thực tế vận hành, chi phí đầu vào cao, đầu ra thấp”, mà nguyên nhân sâu xa là do “lập và phê duyệt dự án rất nhanh” nhưng khi tổ chức thực hiện thì “rất trì trệ, vướng mắc với các nhà thầu, kéo dài thời gian thi công”.
Dự án xơ sợi Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) với vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng là một ví dụ.
Cho đến lúc “đắp chiếu” hoàn toàn, nhà máy này chưa từng cho ra được mẻ sợi nào có giá thành cạnh tranh, với chi phí hợp lý nhất.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về “sức khỏe” của dự án này, chính Bộ Công thương thừa nhận nhiều dữ liệu tính toán trong nghiên cứu khả thi của dự án là “phi thực tế”.
Đó cũng là lý do vì sao nhà máy phải chịu lỗ hơn 3,3 triệu đồng/tấn xơ sản xuất ra!
Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp dệt may chọn phương án nhập khẩu, thay vì “phải sử dụng các sản phẩm của PVTex” như từng được yêu cầu.
Để không còn xảy ra các dự án ôm nợ ngàn tỉ này, đã đến lúc cần quyết liệt dẹp bỏ tư tưởng chờ phép mầu doanh nghiệp “tái sinh” từ tiền đóng thuế của người dân, do một bộ phận lãnh đạo bộ ngành được giao trọng trách quản lý, giám sát doanh nghiệp đang lợi dụng.
Và như lời GS.TS Trần Ngọc Thơ, 12 dự án thua lỗ như những doanh nghiệp xác sống, nếu tiếp tục sử dụng tiền thuế của dân để kéo dài “tuổi thọ” cho các doanh nghiệp này là điều không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh cả nước đang phải “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay.
Hơn nữa, theo nghị quyết 12-NQ/TW về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3-6, chủ trương cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước cũng như các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả đã được “bật đèn xanh”.
Với dự án của doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp, có thể áp dụng giải pháp bán cổ phần, vốn góp, kể cả bán toàn bộ doanh nghiệp hoặc cho phá sản.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, nếu sớm thực hiện chủ trương tại nghị quyết 12, trong đó nhấn mạnh rằng cần “hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước”, đã không có những siêu nợ lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng như thời gian qua.
Tuy nhiên, trong khi chờ Chính phủ xử lý dứt điểm 12 dự án ôm nợ ngàn tỉ, theo cam kết là đến năm 2020, dư luận cũng mong muốn các cơ quan chức năng “điểm tên, chỉ mặt” những cá nhân, tổ chức đã hậu thuẫn cho các dự án này từ lúc thai nghén cho đến khi chết lâm sàng, cũng như công bố các biện pháp xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức này.
Theo Trần Vũ Nghi (Tuổi Trẻ)