923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động vì Covid-19

10/09/2020 14:02:48

Trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động vì Covid-19

Đó là nội dung trong Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố.

Cụ thể, kể từ đầu tháng 3/2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế, xã hội của cả nước. Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản. 

Các phân khúc bị ảnh hưởng như thị trường bất động sản cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… cho thuê); phân khúc bất động sản du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch - condotel) và thị trường bất động sản thứ cấp, mua đi bán lại của các nhà đầu tư lướt sóng.

Theo HoREA, đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động môi giới, hoặc đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng. 

Trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản trên toàn quốc giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và trong thời gian đại dịch Covid-19, giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao, vì chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá. 

Chỉ xuất hiện tình trạng sụt giảm mạnh giá cho thuê bất động sản (nhà phố, cơ sở thương mại, dịch vụ cho thuê), hoặc tình trạng sụt giảm giá bán nhà trên thị trường sơ cấp, do nhà đầu tư không chịu đựng nổi áp lực trả lãi, trả nợ gốc, phải chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ”.

Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản, thay đổi lớn cả về nhận thức và hành vi của xã hội, của từng người trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh.

Trong đó có việc định hình lại nhu cầu nhà ở, tìm kiếm thông tin, giao kết hợp đồng và thanh toán của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp. Điều này buộc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cũng phải thay đổi triệt để để đáp ứng các yêu cầu mời. 

Cụ thể, các doanh nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ sang nền kinh tế số hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, công nghệ Blockchain, làm việc và kết nối trực tuyến, thanh toán I-banking…trong tình trạng bình thường mới, sống chung an toàn với Covid-19.

Theo HoREA, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới. Và sự ảnh hưởng có liên quan đến tất cả các chủ thể trên thị trường bất động sản. Cụ thể là các chủ đầu tư dự án; người mua nhà; nhà môi giới; nhà thầu xây lắp; các tổ chức tín dụng; người cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng…

Những tác động trên làm giảm sự đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào tăng trưởng GDP và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo Đỗ Lan (Pháp luật & Bạn đọc)

Nổi bật