92 tỷ trả thưởng lấy đâu ra: Xổ số có bị lỗ?

19/10/2016 08:24:00

Sau vụ trúng xổ số 92 tỷ đồng, không ít người đặt dấu hỏi, công ty Vietlott vốn 100% Nhà nước lấy tiền nguồn nào để trả khi mới kinh doanh được 3 tháng? Liệu Nhà nước có bị lỗ nếu phải bỏ vốn ra trả thưởng?

 

Sau vụ trúng xổ số 92 tỷ đồng, không ít người đặt dấu hỏi, công ty Vietlott vốn 100% Nhà nước lấy tiền nguồn nào để trả khi mới kinh doanh được 3 tháng? Liệu Nhà nước có bị lỗ nếu phải bỏ vốn ra trả thưởng?

Số tiền thực nhận 83 tỷ đồng trong vụ trúng xổ số giải Jackpot 92 tỷ đồng đã được Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trao cho người trúng giải chiều18/10.

Mức giải nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người khiến cho có không ít những ý kiến hoài nghi được đặt ra, khoản tiền thưởng khổng lồ tương đương hơn 4 triệu USD sẽ lấy ở đâu ra khi vừa mới kinh doanh được 3 tháng? Liệu có phải vốn Nhà nước? Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, công ty này sẽ lỗ nặng khi phải bỏ ra 92 tỷ đồng để trả thưởng.

GS Hà Tôn Vinh, một chuyên gia người Việt quốc tịch Mỹ nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực trò chơi có thưởng nhận định: "Các công ty xổ số điện toán trên thế giới hay Việt Nam thì không bao giờ lỗ, bởi họ chỉ dành một phần trong doanh thu để trả thưởng".

trúng số, trúng số độc đắc, trúng xổ số, xổ số kiểu Mỹ, người trúng giải độc đắc, người trúng 92 tỷ, trả thưởng
Ông Nguyễn Quốc Thái  nhận giải Jackpot chiều 18/10 

Ông lý giải: "Khoản tiền thưởng khổng lồ đó được cộng dồn sau mỗi lần quay thưởng mà chưa có người trúng. Tiền thưởng lại được tính trên tỷ lệ % nhất định trên doanh thu bán vé".

Ví dụ, trong 100 đồng doanh thu vé số bán ra, công ty để lại 50-60% làm quỹ trả thưởng, ở Vietlott là 55%. 45% doanh thu còn lại sẽ dùng để trang trải cho các khoản chi phí hoạt động, đại lý... và nghĩa vụ đối với ngân sách.

"Trong tổng số 55% doanh số bán vé, sau khi trừ đi số tiền thưởng trả cho các giải nhỏ thường dễ trúng, ước khoảng 10-20% thì phần 30-40% của doanh số còn lại sẽ được cộng dồn lại để làm tiền thưởng cho giải đặc biệt Jackpot. Đó là lý do càng ở các lần quay số sau, giải này tăng lên với con số kỷ lục", GS Vinh nói.

Ông phân tích tiếp, theo tâm lý người mua vé số, khi khởi điểm, giải còn nhỏ thì ít người mua, xác suất trúng giải đặc biệt sẽ thấp. Nhưng qua nhiều lần quay số, tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu USD, lên tới tỷ USD thì mức hấp dẫn tăng lên, hàng triệu người dân cùng mua vé số thì tỷ lệ xác suất có người trúng giải tăng lên.

Ông Vinh cũng dẫn lại trường hợp tháng 1 năm nay, giải xổ số điện toán Jackpot Powerball ở Mỹ, lúc giá trị giải đặc biệt 300-400 triệu USD không có ai trúng nhưng lên tới 1,6 tỷ USD thì đã có người trúng. Đây là mức tiền thưởng lớn nhất chưa từng có của ngành xổ số thế giới.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc công ty này cho biết, cơ chế trả thưởng tương tự như các công ty xổ số trên thế giới.

"Tuy nhiên, tại kỳ đầu tiên quay số, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị sẵn ít nhất 12 tỷ đồng "vốn" để nếu có bất kỳ ai trúng giải đặc biệt ngay lần đầu quay số thì có thể trả thưởng ngay", ông Đạm nói.

Ông Đạm giải thích, sau đó, cứ mỗi kỳ quay số, trong 55% doanh số làm quỹ trả thưởng, chúng tôi sẽ phải lấy một phần để bù dần vào 12 tỷ đồng đã trích ban đầu, phần còn lại trả thưởng và cộng dồn cho giải đặc biệt.

Theo dữ liệu của công ty, kể từ kỳ quay đầu tiên ngày 20/7 đến kỳ quay lần 17, ngày 26/8, việc bù dần cho "vốn" 12 tỷ trên đã hoàn tất. Lúc này, giải đặc biệt Jackpot là 24,214 tỷ đồng, tăng gấp đôi giá trị lúc đầu. Vì thế, 22 kỳ quay số tiếp theo, giải này tăng chóng mặt lên tới 92 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với khởi điểm. Khoản tiền này hình thành từ doanh số bán vé thật, không phải lấy từ vốn đầu tư hay vốn ngân sách.

Xác suất trúng: 1/8 triệu: 4 triệu USD vẫn là nhỏ

Theo GS Hà Tôn Vinh, giá trị giải thưởng của các công ty xổ số điện toán trên thế giới như ở Mỹ thường từ vài trăm triệu USD trở lên, trung bình, giá vé ở Mỹ từ 1-20 USD và mỗi người Mỹ thường bỏ ra khoảng 5-7 USD để mua. Giá trị giải thưởng kỷ lục ở Việt Nam tuy lên tới 4 triệu USD chỉ là con số nhỏ ở ngành này.

trúng số, trúng số độc đắc, trúng xổ số, xổ số kiểu Mỹ, người trúng giải độc đắc, người trúng 92 tỷ, trả thưởng
GS Hà Tôn Vinh trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo VietNamNet

Thông tin từ công ty xổ số cũng cho thấy, tại Việt Nam, xác suất trúng thưởng giải đặc biệt Jackpot là 1 vé trên tổng số 8,1 triệu vé. Nhưng tại Mỹ, mức tiền thưởng tối thiểu đã là 40 triệu USD và xác suất khó hơn, khoảng 292 triệu vé bán ra mới có 1 vé trúng đặc biệt.

Tuy nhiên, nghĩa vụ tài chính của người trúng thưởng Việt Nam "nhẹ" hơn rất nhiều so với ở Mỹ.

GS Hà Tôn Vinh cho biết, người trúng giải Jackpot thường chỉ thực nhận được khoảng 50% giá trị giải. Những chủ nhân vé số độc đắc thường mất đi 50% giá trị giải để nộp nhiều khoản thuế như thuế liên bang, thuế tiểu bang lên tới 25-30%, thuế thu nhập cá nhân đặc biệt cao, từ 32-38% và một loạt các khoản chi phí khác, kể cả chi cho từ thiện.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người trúng giải chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho khoản thu nhập bất thường là 10%.

Được biết, trong 45% doanh số bán vé thì Vietlott phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại thuế khác là 20,9%, trích 8% trả hoa hồng đại lý, còn lại là trích các Quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp... Sau khi hoàn thành tất cả các khoản mục trên thì toàn bộ lợi nhuận của công ty phải nộp về ngân sách. Đây là điểm đặc thù nhất đối với lĩnh vực kinh doanh sổ xố ở Việt Nam.

Năm 2015, theo công bố của Bộ Tài chính, doanh số ngành sổ xố lên tới 3 tỷ USD, nộp ngân sách lên tới 1 tỷ USD.

Theo Phạm Huyền (VietNamNet)