Công khai 7 dự án đủ điều kiện huy động vốn
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo danh sách này, đến ngày 13/4, trên địa bàn thành phố chỉ có 7 dự án đủ điều kiện được được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản.
Cụ thể, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 2 dự án gồm: Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora ở Triều Khúc do Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân VihaComplex ở phố Nguyễn Tuân do Liên danh Công ty CP In và Thương mại Thống Nhất và Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ làm chủ đầu tư.
Quận Nam Từ Liêm có 2 dự án gồm: Dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc quỹ đất 20% của dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 và Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS làm chủ đầu tư. Dự án tòa chung cư U38.1 thuộc lô đất F3-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park do Công ty CP Kinh doanh Bất động sản S-Vin Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tại quận Đống Đa có dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng (Miracle Tower) do Công ty CP In 15 làm chủ đầu tư.
Quận Long Biên có dự án nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT7 phường Phúc Đồng, quận Long Biên ở phường Phúc Đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Long Biên làm chủ đầu tư.
Tại huyện Thường Tín có dự án nhà ở thấp tầng để bán đối với các ô đất OM.20,OM.24, OM.25, OM.26, OM.27, OM.28 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất cả lô tại khu đất ký hiệu L.27 (đô thị số 1) do Công ty CP Đầu tư Phát triển Bất động sản Kim Cương làm chủ đầu tư.
Kiến nghị bỏ bảo lãnh bán nhà "trên giấy"
Liên quan đến việc bán nhà "trên giấy", mới đây ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị xem xét bỏ quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” vì có một số bất cập, hạn chế.
Thứ nhất, quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu “phí bảo lãnh ngân hàng” (bằng khoảng 2% giá bán nhà).
Thứ hai, có dấu hiệu quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” hầu như chỉ làm lợi cho ngân hàng thương mại. Bởi theo ông Châu, hầu hết ngân hàng thương mại thực hiện “bảo lãnh” cũng chính là ngân hàng đã cho chủ đầu tư vay tín dụng để đầu tư xây dựng, phát triển dự án đó và đã nhận thế chấp chính dự án đó để bảo đảm khoản vay.
Thứ ba, nếu thực hiện đúng quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” thì khó cho cả ngân hàng thương mại và chủ đầu tư vì vừa làm giảm năng lực cho vay tín dụng của ngân hàng thương mại và vừa làm tăng khối tài sản bảo đảm của doanh nghiệp cho “khoản bảo lãnh” nên không được khai thác sử dụng hiệu quả khối tài sản bảo đảm này.
Thứ tư, theo ông Châu, quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” chưa phải là giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà.
Do đó, Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ quy định tại Điều 27 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” để góp phần làm giảm giá thành, làm giảm giá bán nhà ở cho người mua nhà.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà hình thành trong tương lai trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng theo cam kết trong hợp đồng, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo ngân hàng thương mại tăng cường giám sát chặt chẽ chủ đầu tư dự án nhà ở phải sử dụng vốn vay tín dụng đúng mục đích theo quy định Thông tư số 39 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và UBND cấp tỉnh có biện pháp giám sát chặt chẽ chủ đầu tư dự án nhà ở phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích và bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết theo hợp đồng.
Theo Ninh Phan (Tiền Phong)