Các bên tham gia: người dân thuộc địa Massachusetts, chính phủ Anh.
Hàng hóa: Trà
Những người Anh đầu tiên tới khai phá Tân Thế Giới phải đóng thuế cho chính phủ Anh dù không được quyền đại diện trong quốc hội. Đó chính là lý do người dân thuộc địa Massachusetts phản đối mạnh mẽ và đòi hỏi hủy bỏ các đạo luật buộc họ phải đóng thuế cho gần như mọi hàng hóa sinh hoạt hàng ngày, từ sách báo, sơn, thủy tinh cho đến trà.
Sau sự kiện đụng độ đẫm máu giữa quân đội Anh và người dân thành phố Boston năm 1770, chính phủ Anh bãi bỏ phần lớn loại thuế đánh vào người dân thuộc địa Mỹ ngoại trừ thuế trà, dẫn đến việc người dân thuộc địa đứng lên tẩy chay Công ty Đông Ấn thuộc Anh - nhà xuất khẩu trà độc quyền sang lục địa Hoa Kỳ.
Tại thời điểm căng thẳng nhất, hơn 100 người dân thuộc địa đã tràn lên tàu hàng của công ty Đông Ấn ở cảng Boston, thuộc địa Massachusetts. Họ ném hàng trăm thùng trà có giá trị lên tới 1 triệu USD theo thời giá hiện nay xuống biển.
Hậu quả: Năm 1774, chính phủ Anh và Vua George III đã thông qua đạo luật bế quan tỏa cảng cho tới khi người dân thuộc địa Massachusetts chấp nhận đóng thuế và đền bù thiệt hại. Phía Anh cũng đình chỉ chính quyền tự trị của thuộc địa Massachusetts và tăng quyền cho quân đội Anh đóng tại thuộc địa.
Để đáp trả, các thuộc địa khác của Anh tại Bắc Mỹ đã gửi hàng hóa cứu viện đến cho Massachusetts và cùng đứng lên đòi hỏi quyền tự quyết cho thuộc địa. Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ (cuộc chiến giành độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ chống lại đế quốc Anh) diễn ra ngay sau đó, vào ngày 19 tháng 4 năm 1775.
Các bên tham gia: Mỹ, Canada, châu Âu và một số quốc gia khác
Hàng hóa: Hàng nghìn loại hàng hóa nhập khẩu
Tổng thống Herbert Hoover lên kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp diễn ra trong những năm đầu của cuộc Đại suy thoái bằng cách đặt ra các mức thuế mới đối với nông sản nhập khẩu. Các thượng nghị sĩ Reed Smoot và Willis C. Hawley đã đề xuất một dự luật đánh thuế nhập khẩu cao đối với cả nông sản và hàng hóa công nghiệp.
Dù 1.000 nhà kinh tế học Hoa Kỳ đã ký thỉnh nguyện thư phản đối, dự luật Smoot-Hawley vẫn được lưỡng viện Mỹ thông qua với sự chấp thuận của Tổng thống. Các quốc gia bị ảnh hưởng đã áp thuế trả đũa lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, khiến nền kinh tế Mỹ đang suy thoái càng trở nên kiệt quệ hơn.
Hậu quả: Đạo luật Smoot-Hawley được coi là một thảm họa kinh tế của nước Mỹ. Đạo luật này đã khiến giá trị xuất khẩu của Mỹ năm 1933 giảm tới 61% và khiến nền kinh tế không thể hồi phục trong một thời gian dài.
Do những thất bại của đạo luật Smoot-Hawley, Tổng thống Hoover đã thua cuộc trước đối thủ Franklin D. Roosevelt trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp sau đó. Năm 1934, một đạo luật thương mại khác do chính quyền Roosevelt đề xuất đã được thông qua để thay thế đạo luật Smoot-Hawley.
Các bên tham gia: Mỹ, Pháp, Tây Đức
Hàng hóa: Gà, rượu mạnh, xe tải và một số hàng hóa khác
Với việc gà được chăn nuôi quy mô công nghiệp tại Mỹ, thế giới có thể tiếp cận nguồn thịt gà giá rẻ từ Mỹ, khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng cao, nhất là tới châu Âu
Để đối phó, Pháp và Tây Đức đã áp thuế lên thịt gà, khiến ngành chăn nuôi gia cầm của Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã đáp trả bằng cách đánh thuế 25% lên xe tải hạng nhẹ, bao gồm cả xe chở khách Volkswagen, rượu mạnh của Pháp, bột ngô và hồ bột.
Hậu quả: Dù không liên quan, nhưng ngành chế tạo ô tô của Nhật Bản đã phải chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến thương mại này.
Một số nhãn hiệu như Toyota và Isuzu đã tìm ra những kẽ hở để lách luật, trong đó có việc xây dựng các nhà máy lắp ráp trên lãnh thổ Mỹ.
Các bên tham gia: Mỹ, Nhật
Hàng hóa: Xe hơi, đồ điện tử, xe máy
Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với 300 triệu USD hàng hóa là máy vi tính, thiết bị điện và tivi của Nhật Bản. Chính quyền Reagan tuyên bố mức thuế này là để đáp trả lại việc Nhật Bản đã không tuân thủ thỏa thuận giữa hai nước về việc cho phép nhiều hàng hóa Mỹ hơn nữa thâm nhập vào thị trường Nhật, và ngừng việc phá giá chip bán dẫn máy tính do Mỹ sản xuất. Trong thập niên 1980, Mỹ cũng đánh thuế cao đối với ô tô từ Nhật Bản.
Hậu quả: Nhật Bản lựa chọn không đáp trả. Bộ trưởng thương mại quốc tế đương thời, ông Hajime Tamura tuyên bố: “Với hy vọng ngăn chặn xung đột này dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống thương mại tự do của thế giới, từ một tầm nhìn rộng hơn, chính phủ Nhật Bản quyết định không đưa ra những biện pháp trả đũa”.
Các nhà kinh tế học Anna Zhou và Ethan Harris thuộc Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cho biết, việc đánh thuế cao đối với hàng hóa Nhật Bản đã không phát huy tác dụng gì trong việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Lượng xe ô tô Nhật Bản bán ra trên thị trường Mỹ chỉ giảm 3%, người tiêu dùng Mỹ phải rút hầu bao nhiều hơn tới 53 tỷ USD vì chính sách thuế này.
Các bên tham gia: Mỹ, Canada
Hàng hóa: Gỗ xẻ mềm
Canada thu hoạch gỗ từ các khu rừng thuộc sở hữu công cộng với mức giá do chính phủ quyết định. Trong khi đó, gỗ của Mỹ phần lớn đến từ các khu rừng tư nhân với giá cả do thị trường quyết định. Năm 1982, Mỹ lên án Canada trợ giá cho sản phẩm gỗ xẻ mềm của mình một cách thiếu công bằng. Các cuộc tranh cãi cũng như các mức thuế trả đũa được duy trì cho tới ngày nay.
Hậu quả: Trong khi Canada phải trả hàng trăm triệu USD thuế gỗ xẻ mềm trong năm 2018 này, khách hàng Mỹ cũng phải chịu mức giá gỗ xẻ cao kỷ lục, trong bối cảnh ngành xây dựng nước này đang sôi động. Tới năm 2018, dự kiến giá gỗ xẻ mềm Canada sẽ tăng giá tới 40%.
Các bên tham gia: Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latin
Hàng hóa: Chuối, hàng xa xỉ châu Âu
Tại Mỹ không có nhiều vùng trồng chuối, ngoại trừ ở các bang Hawaii và Florida. Tuy nhiên, rất nhiều trang trại chuối ở châu Mỹ Latin thuộc sở hữu của các công ty Mỹ. Năm 1993, Mỹ khiếu nại khi châu Âu áp thuế cao đối với hoa quả đến từ Mỹ Latin nhằm tạo lợi thế cho các thuộc địa cũ ở vùng Caribe của mình. Để đáp trả, Mỹ đã áp thuế lên nhiều mặt hàng như túi xách Pháp, vải sợi của Anh và thịt hun khói Đan Mạch.
Hậu quả: Sau tám lần khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận giảm dần thuế đối với hoa quả Mỹ Latin. Năm 2012, cuộc chiến chuối chính thức kết thúc. Ngoại trưởng Mỹ đương thời Madeleine Albright phát biểu: “Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ dành nhiều thời gian cho quả chuối đến như vậy!”.
Các bên tham gia: Mỹ, châu Âu
Hàng hóa: Thép, cam
Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành thép nước nhà, Tổng thống Mỹ thời điểm đó George W. Bush đã áp thuế tạm thời với mức 8-30% lên thép nhập khẩu. Canada và Maxico là ngoại lệ do là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA, nhưng EU nhanh chóng trả đũa bằng cách tăng thuế lên cam, ô tô và một số hàng hóa khác nhập khẩu từ Mỹ, cũng như khiếu nại về hành động của Mỹ lên WTO. Với việc WTO kết luận Mỹ đã vi phạm các cam kết về mức đánh thuế, chính quyền của Tổng thống Bush phải ngừng đánh thuế lên thép nhập khẩu sau 18 tháng, sớm hơn kế hoạch dự kiến là 30 tháng.
Hậu quả: Thuế thép 2002 của chính quyền Bush bị các nhà kinh tế học đánh giá là một chính sách vô bổ. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, chính sách này khiến giá thép tăng cao và ngành thép mất đi tới 26 nghìn việc làm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng có những việc làm mới đã được tạo ra và ngành thép ghi nhận một mức tăng lợi nhuận khiêm tốn.
Theo Minh Châu (Ngaynay.vn)