6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn 'mê' vàng đến thế?

09/11/2024 10:19:52

Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 13 tấn vàng trong vòng 6 tháng để "hạ nhiệt" giá vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 13 tấn vàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã gửi các đại biểu quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, một nội dung đáng chú ý liên quan đến công tác quản lý, điều hành thị trường vàng.

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ 13/6 đến 29/10, gần 11,5 tấn vàng đã được cơ quan quản lý bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thông qua đó phân phối lại cho người dân.

Trước đó, từ 19/4 đến 23/5, thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, nhà chức trách đã tung ra thị trường 48.500 lượng vàng miếng, tương đương 1,82 tấn.

Như vậy, tính từ 19/4 đến nay, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường 354.100 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng.

6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn 'mê' vàng đến thế?
Hơn 13 tấn vàng đã đưa ra thị trường để “hạ nhiệt” giá vàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước thời điểm cơ quan này thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%).

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5-7%).

Thời gian tới, NHNN cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Vì sao vàng là kênh đầu tư hấp dẫn?

Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội, TP.HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Tại Hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2024” hồi tháng 7 vừa qua, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng là lĩnh vực đầu tư có lẽ nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách.

“Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ trong chương trình bình ổn giá, nhưng giá vàng nhẫn lại đang tăng mạnh và vượt giá vàng miếng, một hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn 'mê' vàng đến thế? - 1
Vàng đang là kênh đầu tư gây sốt.

Trên thế giới, vàng cũng là một kênh đầu tư được yêu thích. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, từ đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua lần lượt 316, 198 và 95 tấn vàng. Thay vì đầu tư vào các quỹ ETF, các ngân hàng trung ương chủ yếu tích lũy vàng vật chất và đảm bảo có vàng trong tay.

Theo công ty cung cấp dữ liệu Campden Wealth (Anh), hơn 2/3 các công ty quản lý tài sản gia đình đầu tư vào vàng. Nhu cầu lớn đến từ châu Á, khi Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 20% sản lượng kinh tế thế giới nhưng lại chiếm đến một nửa lượng vàng vật chất mà người tiêu dùng mua vào. Người dân Đức và Thụy Sỹ là những người châu Âu duy nhất có cùng xu hướng này.

Giá trị của một loại tiền tệ có thể giảm so với các loại tiền tệ khác; nguồn cung tương đối cố định của vàng và mức độ phổ biến trong lịch sử khuyến khích các nhà đầu tư tin rằng vàng có thể bảo vệ họ trước giá cả tăng mạnh và các chính sách sai.

Theo H.Linh (Nhịp Sống Thị Trường)

Nổi bật