Tới nay các ngân hàng đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II, trong đó hầu hết tỷ lệ nợ xấu đều tăng. Nhóm các ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối cao như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quân đội (MB)…
Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất quý 2/2022 của Vietcombank, tổng nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng này tại thời điểm 30/6/2022 là hơn 6.692 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn 4.688 tỷ đồng, nợ ghi ngờ 664,359 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 1.340 tỷ đồng.
Với VIB, tổng nợ xấu tuyệt đối là 5.428 tỷ đồng (tăng 16,2% so với thời điểm đầu kỳ). Trong đó nợ xấu có khả năng mất vốn là 2.210 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 2.125 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 1.092 tỷ đồng.
Sacombank nợ xấu tuyệt đối 5.282 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn 4.242 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 622,849 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 417, 894 tỷ đồng.
Đối với Ngân hàng MB tổng nợ xấu tuyệt đối là 4.974 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn 1.826 tỷ đồng, nợ nghi ngờ 1.167 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 1.981 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổng nợ xấu tuyệt đối cuối kỳ báo cáo là 2.343 tỷ đồng (tăng 4,3% so với đầu kỳ). Trong đó nợ có khả năng mất vốn 1.852 tỷ đồng, nợ nghi nghờ 282,911 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 208,628 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), tổng nợ xấu tuyệt đối lên đến 2.144 tỷ đồng (tăng gần 59% so với đầu kỳ). Trong đó riêng nợ xấu có khả năng mất vốn là 931,647 tỷ đồng (tăng 27%), nợ nghi ngờ 685,784 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 526,735 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổng nợ xấu tuyệt đối của nhà băng này đầu kỳ đạt 1.789 tỷ đồng (tăng 10,7% so với đầu kỳ). Trong đó riêng nợ xấu có khả năng mất vốn chốt thời điểm cuối quý II là 1.038 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với đầu kỳ), nợ nghi ngờ là 443,292 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn 307,771 tỷ đồng.
Việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia phân tích. Trong các quý tới, bức tranh nợ xấu sẽ rõ ràng hơn khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã chính thức hết hạn vào ngày 30/6.
Theo Quang Vững (Kienthuc.net.vn)