Theo đó, tổng giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được ghi nhận đạt 7,26 tỷ USD, tăng so với con số 5,5 tỷ USD công bố hồi năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN (phần lớn đang ổn định hoặc tăng trưởng âm). Tổng giá trị thương hiệu của Top 50 Việt cũng tăng 39% so với cùng kỳ.
Nguồn: Brand Finance |
5 cái tên đứng đầu gồm Vinamilk, Viettel, Petro, MobiFone và Vinhomes chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trong Top 50. Trong đó, Vinamilk vẫn duy trì vị thế số một và được định giá trên một tỷ USD, tiếp đến là Viettel với 973 triệu USD, PetroVietnam 564 triệu USD, MobiFone 539 triệu USD, Vinhomes 511 triệu USD.
Trong Top 10 thương hiệu bao gồm cả 3 "ông lớn" ngành viễn thông là Viettel, MobiFone và VinaPhone. FPT là đại diện công nghệ duy nhất có mặt trong nhóm này, cùng với 2 thương hiệu tiêu dùng khác là Sabeco và Masan Consumer. Top 50 cũng có sự xuất hiện của nhiều ngân hàng là VietinBank, BIDV, Vietcombank, SHB...
Tại buổi công bố, không ít diễn giả là đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc đầu tư phát triển thương hiệu đã thay đổi "định mệnh" của doanh nghiệp.
"Khách hàng dám trả nhiều tiền hơn khi có một sản phẩm có nhãn hiệu. Ví dụ một chiếc mũ không có thương hiệu và một chiếc mũ có thương hiệu Lamboghini cho phép bạn có thể đặt giá ở mức cao. Nếu chỉ luôn cạnh tranh về giá thì cũng có nghĩa bạn không có gì trong tay. Đưa ra mức giá cao cho một sản phẩm không có nghĩa là bạn sẽ bán được ít hàng hơn", đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Báo cáo của Brand Finance cũng cho thấy, những thương hiệu có xếp hạng cao hơn (AAA) có thuận lợi hơn gấp 2 lần so với thương hiệu có xếp hạng sức mạnh thương hiệu loại A.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand – Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, trước đây và cả hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới quốc tế hoá ở tầm cao mới, bao gồm hiệu lực của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tốt hơn trước sự xâm nhập của các thương hiệu quốc tế.
Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh, thương hiệu là các yếu tố tác động dẫn tới thành công quan trọng và vô hình lớn nhất.
"Họ hiếm khi thấy lợi nhuận từ việc đầu tư vào thương hiệu. Nhiều thương nhân có tư duy không tập trung đầu tư vào điểm này. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm các thương hiệu trong nước gặp phải sự xâm lấn của các thương hiệu nước ngoài mạnh hơn, hoặc bị những đối thủ nước ngoài mua với giá rất rẻ", ông Samir Dixit cho hay.
Cách duy nhất để khắc phục hiện tượng này, theo ông là đầu tư vào thương hiệu và hiểu rõ về giá trị của nó chứ không phải chỉ là lao vào bán hàng.
Brand Finance là nhà tư vấn chiến lược và đánh giá hiện có văn phòng ở 20 quốc gia. Hãng này tính toán giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng theo phương pháp giảm thuế. Phương pháp này bao gồm dự toán doanh thu có khả năng xảy ra trong tương lai được quy cho một thương hiệu và xem xét mức thuế suất sẽ bị tính cho việc sử dụng thương hiệu đó.
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)