Mới chỉ giải ngân hơn 150 tỷ đồng
Tại Hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” diễn ra vào sáng 10/3, vấn đề về vốn vay cho nhà ở xã hội (NƠXH) tiếp tục được đưa ra thảo luận.
Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2021, Sở Xây dựng đã xét duyệt cho 18.141 trường hợp được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên địa bàn.
Trong đó, 17.632 trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách NƠXH tại các dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách và 509 trường hợp thuộc các dự án vốn ngân sách.
Về chương trình cho vay NƠXH, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) TP được Trung ương giao vốn để cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) trên địa bàn TP.
Từ năm 2018 đến ngày 30/9/2022, chi nhánh NHCSXH TP đã cho vay hơn 150 tỷ đồng với 310 lượt khách hàng. Trong đó, doanh số cho vay để mua, thuê mua NƠXH gần 118 tỷ đồng với 252 khách vay; cho vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt 32,2 tỷ đồng với 58 khách.
Tính đến tháng 9/2022, chi nhánh NHCSXH TP đã thu nợ được 29,5 tỷ đồng. Dư nợ của chương trình còn 125,5 tỷ đồng, chưa phát sinh nợ quá hạn.
Theo ông Khiết, tỷ lệ người đủ điều kiện mua NƠXH so với người được vay ưu đãi chênh lệch rất lớn. Những người không tiếp cận được vốn vay ưu đãi của NHCSXH sẽ phải vay từ các nguồn khác, với lãi suất thương mại.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Khiết, Chính phủ cần hỗ trợ nguồn vốn lớn hơn cho NƠXH. Như ở Singapore, người dân được mua NƠXH với mức giá tương ứng theo thu nhập, Chính phủ sẽ sử dụng quỹ nhà ở để bù phần chênh lệch.
Vì sao người mua NƠXH khó vay vốn?
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cho hay, lãi suất cho vay theo chương trình NƠXH của NHCSXH là 4,8%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm.
Nói về hiệu quả của chương trình, ông Lệnh cho rằng, lãi suất thấp và thời gian vay kéo dài nên phù hợp với người nghèo, số tiền họ phải trả hàng tháng không nhiều. Việc chưa phát sinh nợ quá hạn cho thấy người vay trả nợ rất đúng hạn.
Về số liệu trong 4 năm qua chỉ có 310 người tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ chương trình, theo ông Lệnh, vấn đề ở đây không phải vì NHCSXH TP không thiếu vốn mà nguyên nhân là thiếu nguồn cung NƠXH giá rẻ để đáp ứng điều kiện.
“Nếu nhìn vào con số 310 người được vay để cho rằng vướng mắc là do ngân hàng thì không đúng. Trước đây, giá NƠXH trung bình chỉ loanh quanh 700 triệu đồng/căn, còn hiện nay thị trường đang thiếu cả nguồn cung lẫn nhà giá rẻ”, ông Lệnh chia sẻ.
Về vấn đề thiếu nguồn cung NƠXH, ông Huỳnh Thanh Khiết cho rằng, có những vướng mắc về thủ tục đầu tư dẫn đến chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Đơn cử như thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai tại dự án NƠXH. Thay vì quyết định miễn tiền sử dụng đất ngay từ đầu thì cơ quan thẩm quyền phải có bước xác định tiền sử dụng đất bao nhiêu, rồi sau đó mới ra quyết định miễn.
Theo ông Khiết, các vấn đề vướng mắc liên quan đến chương trình phát triển NƠXH, Sở Xây dựng đã có tham mưu và UBND TP đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
"Sở Xây dựng đang rất lo lắng bởi nếu không có cơ chế tháo gỡ, mục tiêu của chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 – 2030 sẽ rất khó đạt được", ông Khiết nói.
Theo Anh Phương - Hồ Văn (VietNamNet)