Ngày 22/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) đồng thời bán đấu giá lần lượt 57,71% và 21,28% vốn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex).
Hai nhà đầu tư tham gia tranh mua lô cổ phần của Viettel đã lộ diện là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (vốn điều lệ 380 tỷ đồng) và Bất động sản Cường Vũ (vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng).
Đây đều là 2 doanh nghiệp bất động sản trong nước và mục tiêu đầu tư vào Vinaconex có lẽ không ngoài quỹ đất đầu tư dự án.
Thành lập từ năm 2008 với hoạt động kinh doanh chính xây lắp công trình, kinh doanh bất động sản, công ty mẹ Vinaconex hiện có quyền sử dụng lượng quỹ đất lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo bản công bố thông tin mới nhất, Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.
Một số lô đất hiện là trường học và chi nhánh của công ty như: Tòa nhà văn phòng tại Đà Nẵng (hơn 380m2), Trường trung học – tiểu học – mầm non Lý Thái Tổ tại Hà Nội (diện tích 24.000m2), trường kỹ thuật xây dựng Bỉm Sơn (2.500 m2), gần 8.500m2 đất tại Trường đào tạo công nhân xã Phú Cường, Sóc Sơn.
Bên cạnh đó, Vinaconex cũng đang quản lý 33.000m2 đất tại trạm bơm tăng áp và gần 500m2 trụ sở làm việc tại đất E10 quận Thanh Xuân.
Phần lớn những khu đất có diện tích lớn tại Hà Nội đang được Vinaconex triển khai dự án và cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp.
Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu m2 nằm tại Khu CN CNC2 Hòa Lạc. Doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật…). Dự án có quy mô đầu tư 1.316,7 tỷ đồng và tiến độ thực hiện từ 2014 đến 2020.
Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Bất động sản lớn thứ 3 trong danh sách của Vinaconex có diện tích 32.696 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Khu đất này đang được Vinaconex triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).
Dự án này có tổng diện tích hơn 264 ha, trong đó giai đoạn 1 đã triển khai xây dựng gần 47ha với các công trình 317 căn biệt thự, 236 căn liền kề và 496 căn hộ chung cư. Giai đoạn 2, công ty sẽ triển khai phần diện tích còn lại với hạ tầng gồm biệt thự, nhà liền kề, chung cư, hỗn hợp nhà cao tầng, trường học và công cộng.
Chủ đầu tư của dự án này là CTCP An Khánh JVC, trong đó Vinaconex nắm 50% vốn góp. Cuối năm 2017, doanh nghiệp này có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông khi CTCP Địa ốc Phú Long nhận chuyển nhượng 50% vốn từ Posco E&C và trở thành đơn vị cùng Vinaconex hợp tác triển khai dự án.
Phú Long là công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Doanh nghiệp này đang phát triển nhiều dự án tại TP HCM. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng là Tổng giám đốc Vietjet Air và Phó chủ tịch HĐQT HDBank.
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).
Với lượng quỹ đất trên, sẽ là lợi thế với các doanh nghiệp bất động sản lớn nếu có thể góp vốn cổ phần tại Vinaconex. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây lắp của Vinaconex cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Công ty từng có kinh nghiệm, tham gia triển khai xây dựng hạ tầng nhiều dự án (cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Thủy điện Cửa Đạt…).
Sau khi tái cơ cấu lại mô hình doanh nghiệp năm 2017, Vinaconex đã hoàn tất thành lập Vinaconex CM và Vinaconex Invest nhằm tập trung đầu mối kinh doanh về 2 công ty này.
Vinaconex Invest sẽ là đơn vị đầu tư các dự án bất động sản phân khúc tầm trung, trung bình khá, dự kiến phát triển mới 1 -2 dự án trong năm 2018, xem xét giải ngân vốn đầu tư vào những dự án/công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có mức sinh lời cao.
Trong khi đó, Vinaconex CM sẽ là đơn vị nòng cốt về xây dựng, sẽ tập trung đầu tư hệ thống trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất đẩy nhanh tiến độ các dự án, trở thành tổng thầu. Ngoài ra, Vinaconex còn 27 công ty con và 8 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền của đất nước.
Sau lần chào bán cổ phần gây thất vọng năm 2017, sẽ còn doanh nghiệp nào tham gia vào đợt đấu giá sắp tới của Vinaconex cùng Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Bất động sản Cường Vũ?
Năm 2018, công ty mẹ Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu 4.491 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả năm 2017; lợi nhuận sau thuế ở mức 491 tỷ đồng, giảm 64%.
Nếu loại bỏ phần doanh thu và lợi nhuận đạt được từ thoái vốn Viwasupco trong năm trước, các chỉ tiêu 2018 lần lượt tăng 21% và 7%.
Theo Lê Hải (Người Đồng Hành)