Theo báo cáo "Xu hướng nhu cầu vàng" do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố, người tiêu dùng Việt đã mua 14 tấn vàng trong quý II, tăng 11% so với cùng kỳ 2021.
Theo ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới, do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của Đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.
Trước đó, trong báo cáo hồi quý I/2022, WGC cho biết nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á không hào hứng lắm trong việc mua vàng, ngoại trừ Việt Nam.
Cụ thể, người Việt đã mua tổng cộng 14 tấn vàng trong quý đầu tiên năm 2022. Trong khi đó, quý I/2022, người Thái chỉ mua 2 tấn vàng, giảm 74% so với cùng kỳ. Người Indonesia cũng chỉ mua 5 tấn vàng, giảm 10% so với cùng kỳ, người Malaysia cũng chỉ mua chưa đầy 2 tấn vàng.
Theo đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng, tập quán tích trữ vàng của người Việt có truyền thống xa xưa, ngoài là của để dành của mỗi gia đình, vàng còn là kênh trú ẩn, chỗ đầu tư, sinh lời tốt cho nhiều người.
Việc mua vàng thay vì bỏ vốn làm ăn cũng xuất phát từ đặc tính tiết kiệm, giữ của thay vì mạo hiểm kinh doanh hoặc tính toán sinh lời như người dân nhiều nước khác.
So với các nước Đông Nam Á, người dân Việt Nam tích trữ vàng nhiều nhất, lâu nhất và khó thay đổi.
Đánh giá về sự ham thích vàng của người Việt, ngân hàng Standard Chartered cho rằng điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là vàng, USD và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ. Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.
Standard Chartered chỉ ra đưa ra một số nguyên nhân lý giải vì sao người Việt ưa chuộng nắm giữ vàng.
Thứ nhất là yếu tố văn hóa. Các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng, “từng trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người Việt đã thấm thía sự nghèo đói và thất nghiệp. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn”.
Thứ hai là lạm phát. Theo Standard Chartered, tích trữ vàng giống như hầm trú ẩn an toàn trước những rủi ro lạm phát và tác động do sức mua sụt giảm được người Việt Nam coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, người mua vàng ở Việt Nam cũng gặp phải rủi ro rất lớn từ các nhà phát hành vàng khi biên độ giao dịch giá vàng mua vào, bán ra có thời điểm chênh từ 2-3 triệu đồng/lượng, nhất là dịp ngày lễ tết, vía Thần Tài...
Theo Hoàng Minh (Kienthuc.net.vn)