Giữa tháng 8/2017, hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức - Air Berlin đệ đơn xin phá sản sau thời gian dài làm ăn thua lỗ và cổ đông chính của hãng này - Etihad Airways, tuyên bố không tiếp tục hộ trợ tài chính. Ảnh: DPA. 2 năm qua, Air Berlin thua lỗ tổng cộng 1,2 tỷ euro và hoạt động cầm chừng nhờ nguồn tài chính từ Etihad Airways - một trong những hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh. Atihad Airways nắm giữ 29% cổ phần của Air Berlin, và tỏ ra thất vọng với chiến lược kinh doanh của hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức. Ảnh: DPA. Sau khi Air Berlin tuyên bố phá sản, chính phủ Đức phải hỗ trợ hãng này một khoản tín dụng 175 triệu USD để hoạt động trong 3 tháng và các hành khách đã đặt vé không bị ảnh hưởng, đồng thời bảo vệ công ăn việc làm cho 7.200 nhân viên của công ty này. Trước đó, năm 2016, Air Berlin thực hiện tái cơ cấu với việc giảm một nửa đội bay xuống còn 75 chiếc, sa thải 1.200 nhân viên để giảm chi phí, nhưng mọi nỗ lực không giúp hãng này cứu vãn được tình thế. Ảnh: Bloomberg. Quyết định ngừng "bơm" vốn của Etihad Airway như đòn giáng cuối cùng dìm Air Berline xuống vực thẳm. Sau khi Air Berlin tuyên bố phá sản, hãng hàng không số 1 của Đức là Lufthansa thông báo muốn tiếp nhận một phần của hãng này và đang trong quá trình đàm phán. Ảnh: Getty Images. Tuy nhiên, ngày 4/12, hãng tin Reuters cho biết hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh nhiều khả năng sẽ được chấp thuận mua lại một phần của Air Berlin với giá 47 triệu USD. Hãng này cũng sẽ tiếp nhận tới 25 máy bay A320 và 1.000 phi công cũng như phi hành đoàn của Air Berlin. Động thái này sẽ giúp EasyJet củng cố vị thế tại Berlin, vượt xa Ryanair của Ireland và Lufthansa Group. Quyết định chính thức sẽ được Uỷ ban châu Âu công bố vào ngày 12/12 tới. Ảnh: Reuters. Đây được xem là cái kết buồn của một hãng hàng không danh tiếng một thời như Air Berlin. Vào thời hoàng kim, Air Berlin từng có đội bay gần 150 chiếc và 10.000 nhân viên trên khắp thế giới. Các chuyên gia phân tích cho rằng hãng này không thể trụ được trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không giá rẻ tại Đức và nước ngoài, khiến việc kinh doanh bắt đầu đi xuống từ năm 2008. Ảnh: Air Berlin Group. Một đại gia hàng không khác "thất thủ" trong năm 2017 là hãng hàng không quốc gia Italy Alitalia. Sau hàng thập kỷ chật vật để tồn tại, đầu tháng 5, các cổ đông Alitalia quyết định lựa chọn để hãng hàng không này bắt đầu quy trình phá sản. Đây là lần thứ hai hãng này nộp đơn xin phá sản sau khi các nhân viên bác bỏ kế hoạch cải tổ - Ảnh: DPA. Từng là một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu, nhiều năm trở lại đây, Alitalia phải chật vật để cạnh tranh với các hàng không giá rẻ như Ryanair và EasyJet . Trước đó, năm 2008, hãng này từng được cứu một lần nhờ sáp nhập với đối thủ Air One trong một thương vụ do chính phủ Italy chỉ đạo. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hãng đã lỗ gần 3 tỷ euro và nhận gần 7 tỷ euro từ chính phủ trong suốt một thập kỷ qua - Ảnh: DPA. Các cổ đông của Alitalia, trong đó có hãng hàng không Abu Dhabi - Etihad, đã cam kết tái cấp vốn 2 tỷ USD nhưng kế hoạch này không được thực hiện do không được các nhân viên ủng hộ. Hạn chót để sang nhượng tài sản của Alitalia mới được gia hạn đến ngày 30/4/2018. Việc đang trong quá trình sang nhượng tài sản dường như không cản trở việc "làm đẹp" của Alitalia. Mới đây, hãng đã hợp tác với nhà mốt nổi tiếng người Ý Alberta Ferretti để thiết kế đồng phục mới cho thành viên phi hành đoàn. Alitalia cho biết điều này sẽ làm thay đổi lớn sau khi các thành viên phi hành đoàn bày tỏ nguyện vọng có một bộ đồng phục mới "thoải mái hơn" - Ảnh: BoardingArea. Dù hợp tác với nhà thiết kế danh tiếng bậc nhất Ferretti, Alitalia khẳng định rằng "thiết kế và việc làm đồng phục mới cho Alitalia không liên quan tới bất kỳ bất kỳ khoản giải ngân nào của Alitalia”. Trong lúc nhận hơn 600 triệu USD để duy trì hoạt động và chờ đợi được mua lại, Alitalia vẫn nỗ lực để duy trì hình ảnh và vị thế biểu tượng của Italy, với kế hoạch đồng phục mới của mình - Ảnh: CNN. Nối tiếp cái kết của hai đại gia hàng không châu Âu là hãng hàng không giá rẻ của Anh Monarch Airlines. Ngày 2/10, Monarch Airlines chính thức tuyên bố phá sản do bại trận trong cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt tại khu vực Địa Trung Hải. Sự việc khiến hơn 100.000 hành khách bị kẹt ở nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch của 750.000 hành khách đã đặt vé. Đây được xem là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không nước Anh. Trong ảnh là thông báo tạị sân bay của Monarch Airlines khi hãng này dừng hoạt động ngày 2/10 - Ảnh: Reuters. Vụ phá sản của Monarch Airlines được gọi là "tình huống chưa từng có tiền lệ" - Ảnh: Getty Images. Monarch Airlines được thành lập vào năm 1967, là hãng hàng không lớn thứ 5 nước Anh, chuyên phục vụ các tuyến bay đến Địa Trung Hải, quần đảo Canary, Cyprus, Ai Cập, Hy Lạp, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Vài năm trở lại đây, Monarch đã lạc lối khi cố gắng làm mới mô hình hãng hàng không giá rẻ trên một thị trường đang thống trị bởi các hãng giá rẻ khác như Ryanair và EasyJet Monarch bắt đầu chuyển sang mô hình giá rẻ vào năm 2004, để bắt kịp với các đối thủ như EasyJet nhưng đó cũng chính là khởi đầu cho "cái chết" của hãng này. Năm ngoái, dù lượng hành khách tăng 14% nhưng doanh thu của Monarch lại sụt giảm 100 triệu bảng. Việc liên tục giảm giá để giành thị phần khiến lợi nhuận của hãng này thâm hụt mạnh - Ảnh: Getty Images. Công thêm việc Anh rời khởi Liên minh châu Âu (EU) khiến đồng Bảng suy yếu và các vụ khủng bố gia tăng tại khu vực này ảnh hưởng tới cả ngành công nghiệp hàng không, Monarch khó tránh cái kết đã được dự báo từ trước - Ảnh: Getty Images. Đánh giá về sự sụp đổ của 3 hãng hàng không đại gia châu Âu, giới phân tích cho rằng vấn đề chính nằm ở quy mô và sự cạnh tranh, đồng thời dự báo sẽ có thêm nhiều vụ sáp nhập cũng như đổ vỡ trong ngành hàng không châu lục này. Các hãng bay giá rẻ như Ryanair và EasyJet đã chiếm thị phần mới tại châu Âu và luôn dẫn đầu với chiến lược giá giúp lấp đầy các chuyến bay và làm các đối thủ điêu đứng. Theo Phương Anh (Tri Thức Trực Tuyến)