189 người Việt trong hồ sơ Panama: Phải làm rõ nguồn tiền

10/05/2016 14:00:00

Theo các chuyên gia, chưa thể nói gì về danh sách 189 người Việt có tên trong hồ sơ Panama, song các cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc này.

Theo các chuyên gia, chưa thể nói gì về danh sách 189 người Việt có tên trong hồ sơ Panama, song các cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc này.

189 nguoi Viet trong ho so Panama: Phai lam ro nguon tien hinh anh 1
TS Cao Sĩ Kiêm

Chia sẻ với PV, ông Kiêm cho rằng, Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp, thậm chí cả các ngân hàng cũng phải vào cuộc, đối chiếu luật pháp trong nước, quốc tế để làm rõ vụ việc. Cơ quan chức năng cũng cần triệu tập những người có liên quan trực tiếp đến vụ việc để xác minh thông tin.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, sở dĩ ngân hàng phải vào cuộc vì họ có liên quan tới phần tài khoản, các khoản thanh toán quốc tế, tài sản nhà nước… Ngân hàng có nhiệm vụ minh bạch tất cả các khoản thanh toán của họ, nhất là các khoản thanh toán quốc tế.

Việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái. Tuy nhiên đây có thể coi là một kênh thông tin để các bên liên quan tìm hiểu làm rõ.

Nói về 189 cá nhân trên, ông Kiêm nhận định: “Giờ chưa thể nói gì về họ. Trong thanh toán quốc tế có rất nhiều khoản có thể người ta chuyển ra, chuyển vào. Các khoản đó có thể chính đáng, có thể không chính đáng, và phải làm rõ mới kết luận được”. 

 Ông Kiêm phân tích, có nhiều lý do để họ có tên trong danh sách này. Có thể là họ có tài khoản gửi ra nước ngoài để trốn thuế, hoặc chỉ đơn giản là để thanh toán, để gửi tiết kiệm…

“Tuy vậy, 189 cá nhân đó cần giải trình đầy đủ các lý do để chứng minh mình trong sạch. Trên cơ sở đó các cơ quan chức năng đối chiếu, phân tích và đi tới kết luận”, ông khẳng định.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý theo luật pháp. Riêng với việc trốn thuế, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định, các cơ quan chức năng ở Việt Nam chắc chắn phải vào cuộc, bởi đây cũng là việc các nước khác đều làm.

Bình luận về chuyện này, ông Ngoạn nói: “Chưa thể khẳng định những người có tên trong danh sách đó là không vi phạm. Vấn đề này liên quan tới luật quản lý ngoại hối”.

Theo ông Ngoạn, còn phải xem họ chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, kinh doanh hay tiền gửi có hợp pháp không. Trong quá trình thực hiện họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế hay chưa. “Nếu một trong hai cái đó mà thiếu thì là sai phạm”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích thêm, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn tiền ở đâu, phương thức, cách thức sử dụng như thế nào. Nếu họ chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp hoặc có hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở công ty theo tài khoản đó thì đó là chuyện bình thường. Hoặc nếu họ đầu tư ra nước ngoài, phát sinh lợi nhuận, nhưng đã nộp thuế đầy đủ thì không vấn đề gì cả.

“Giờ phải yêu cầu họ giải trình cụ thể, xuất trình đủ chứng từ để kiểm tra, xác minh”, ông Ngoạn nói thêm.

Về hướng xử lý với các trường hợp sai phạm, ông Ngoạn cho rằng nếu liên quan tới nguồn thu từ khoản đầu tư thì có thể liên quan tới công ước quốc tế, tức là phải tham chiếu với luật quốc tế nữa, còn không thì cứ áp dụng theo luật Việt Nam mà xử lý.

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thông tin với Zing.vn, đã nắm bắt việc báo chí đưa danh sách 189 cá nhân và các công ty trong hồ sơ Panama.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, nguồn tin này thu thập từ quốc tế, cần được thẩm định và đánh giá. Cục Chống tham nhũng sẽ tập hợp thông tin, báo cáo Thủ tướng và ban chỉ đạo Trung ương xem xét. 

Theo Kiều Vui - Thắng Quang (Zing.vn)

Nổi bật