Thống kê số liệu của 20 ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính bán niên 2019 (hầu hết đã được soát xét) cho thấy, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, VCB, Vietinbank không công bố chi tiết dư nợ cho vay khách hàng phân theo ngành nghề kinh doanh; nhóm còn lại có 12/17 ngân hàng công bố chi tiết phân loại nợ.
Dựa trên số liệu phân loại nợ chi tiết của 12 ngân hàng thương mại đã công bố, ngoại trừ VIB cho vay kinh doanh bất động sản được đưa vào nhóm cho vay ngành nghề khác và chiếm tỷ trọng cực thấp, 11 ngân hàng còn lại gồm VPBank, Techcombank, Sacombank, MBB, ACB, HDBank, SHB, EIB, Nam A Bank, Saigon Bank, Kienlong Bank có dư nợ cho vay khách hàng kinh doanh bất động sản đạt hơn 157.000 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng trưởng bình quân 10,2% so với đầu năm.
Chi tiết cho từng ngân hàng, tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản so với tổng dư nợ cho vay khách hàng chiếm 2,4% đến 14,4%; nếu tính cả số dư cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà tỷ trọng trên có thể lên đến 20% hoặc nhỉnh hơn.
Cụ thể, tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank lên đến 19,6%. Tuy nhiên, số liệu cho vay bất động sản của VPBank đã bao gồm số dư cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà. Nếu loại trừ phần cho cá nhân vay mục đích để mua bất động sản, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank chỉ ở mức 10,7%. 6 tháng đầu năm dư nợ cho vay bất động sản của VPBank 48.472 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,8%, nhỉnh hơn so với tăng trưởng dư nợ vay khách hàng (+11,56%).
Tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank tại ngày cuối tháng 6/2019 là 14,4% (số liệu này chưa bao gồm số dư cho khách hàng cá nhân vay để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà). Techcombank cũng dẫn đầu nhóm các ngân hàng về tăng trưởng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm, tăng đến 97% so với hồi đầu năm, đạt mức 26.723 tỷ đồng.
Sacombank, đơn vị có số dư cho vay lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả cho vay cá nhân mua bất động sản) lớn thứ 2 trong nhóm ngân hàng thống kê, chỉ sau VPBank, với 30.853 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng âm 16,8%. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/dư nợ cho vay khách hàng liên tục giảm, hiện đang ở mức 11%.
Tương tự Nam A Bank, đến cuối tháng 6/2019, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng đã giảm về mức 7,8%; số dư cho vay kinh doanh bất động sản chỉ 4.658 tỷ đồng, giảm 14% so với hồi đầu năm, trong khi đó, tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng của Nam A Bank trong 6 tháng đầu năm 17,7%.
Trung tuần tháng 4/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng. Theo đó, tín dụng cho vay bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; tín dụng tiêu dùng bất động sản đạt 919,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%. Điều này đồng nghĩa, phần lớn tín dụng bất động sản không nằm ở nhóm các NHTMCP tư nhân.
Theo Hồng Quân (Bizlive.vn)