Chủ để BOT đang là sự kiện rất được nhiều người quan tâm hiện nay, khi các lái xe sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Thế nhưng, để có được lượng tiền lẻ lớn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị và huy động từ khá nhiều chỗ như chợ, cửa hàng tạp hóa, chùa chiền, hoặc đi “lối tắt” qua các ngân hàng.
Dạo quanh khu vực trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5 tìm hiểu thì được một số chủ hàng nước cho biết, thời điểm nóng nhất, có người mang cả bao tải tiền lẻ loại 200 đồng đến, phải đến 100 triệu đồng để đổi hoặc chia cho ai cần. Có người thì đi xe máy SH đến cũng chứa nguyên một cốp xe toàn tiền lẻ loại 200, 500 đồng.
Thế nhưng những ngày sau, PV đã thử đi hỏi nhiều lần và nhiều nơi quanh trạm thu phí trên QL5 nhưng không có đâu chịu đổi tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng. Ngay cả loại 1.000 – 2.000 đồng có thể đổi được nhưng số lượng cũng chẳng đáng kể mà lại rất tốn công.
Nên ngay tại gần trạm thu phí, để gom được đủ 40.000 đồng cho 1 vé bằng loại tiền 1.000 – 2.000 đồng cũng khá mệt vì quanh đó chỉ có các hàng nước ven đường, họ cũng phải giữ tiền lẻ để buôn bán.
PV đã tìm đến một số người sinh sống ở gần đó, hoặc các chợ dân sinh để tìm hỏi, nhưng mọi người cũng khá mông lung về việc tìm đến đâu để có thể đổi được các tờ tiền có mệnh giá “bé xíu” như vậy. Một số người nghĩ đến việc ra các đình, chùa quanh đó để đổi nên đã chỉ dẫn tới chùa Nôm (một ngôi chùa cổ lớn hàng trăm năm tuổi nằm trên đất Kinh Bắc xưa kia) cách đó gần 10 km.
Chùa Nôm cổ kính |
Tuy nhiên, các sư thầy trong chùa Nôm cho biết, tiền lẻ giọt dầu và cầu may tại chùa cũng không có nhiều, hầu như để chi phí sinh hoạt, tiền điện nước cũng là vừa hết vì chùa nằm khá sâu phía trong mà con đường lại xấu nên ít khách thập phương.
Theo anh N.D.H. một nhân viên ngân hàng ở trên đường QL5 gần trạm thu phí cho cho biết: “Phía ngân hàng không cho lưu thông mênh giá tiền đó từ lâu rồi. Loại 1.000 – 2.000 đồng thì có đổi, chứ loại 200 – 500 đồng thì không”.
Tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng cũng được đổi nhiều (ảnh: otofun) |
“Phía ngân hàng chỉ thu lại tiền lẻ chứ không đổi ra, mà người đổi chủ yếu toàn là phụ xe bus và những người bán bánh mì”, anh H. cho biết thêm.
Ngoài chùa chiền, ngân hàng ra, còn một đầu mối nữa đó là những người sưu tập tiền, PV đã tìm đến anh H.N.N. một người chơi và sưu tập tiền ở Hà Nội, anh N. cho biết: “Mình chỉ đổi tiền cho anh em làm kỉ niệm. Cũng có nhiều người đến đổi tờ 200 đồng loại mới cứng nhưng lại không phải tài xế tham gia đấu tranh ở BOT QL5, mà chủ yếu là các bạn trẻ thích giữ làm kỉ niệm”.
Tiền mệnh giá 200 còn mới đổi làm kỉ niệm |
“Tuy nhiên, mình cũng chỉ có 30 triệu đồng tiền 200 đồng. Ngoài ra, mình cũng hạn chế, mỗi người chỉ đổi 1 thếp tiền, mỗi thếp khoảng 100 tờ”, anh N. cho biết thêm.
Đổi tiền có khó như vậy không?
Anh L.T.K. là một thành viên tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh trên diễn đàn cho biết: “Các chùa đều có rất nhiều tiền lẻ do người đi lễ đặt tiền giọt dầu và cầu may. Ai đổi cũng được, không mất phí nhưng người đến đổi cũng lễ tạ nhà chùa chút ít. Đền Bia Bà ở dưới Hà Đông là nơi có thể đổi được rất nhiều bởi đây là đền lớn”.
“Ngoài ra, còn có một chợ đổi tiền lẻ khá nổi tiếng, đó là một chợ vô danh ở Quan Trung, Hà Đông, đoạn qua cầu Trắng khoảng 300m. Đây cũng là nơi có thể đổi được tiền lẻ với tỉ lệ 10 ăn 8 hoặc 9 khá linh hoạt, cho ai có nhu cầu đi lễ chùa hoặc mục đích cá nhân”, anh K. cho biết thêm.
Tiền lẻ loại 500 đồng (Ảnh mạng) |
Anh Kiên là một tài xế chuyên chạy xe gia đình tuyến Hải Dương – Hà Nội cho biết: “Mấy ngày nay QL5 nóng hổi thế chủ yếu là các DN vận tải ở Hải Dương và Hải Phòng bức xúc, nên nhiều DN có mười mấy đầu xe container đã có sự chuẩn bị từ trước đó”.
“Việc đổi tiền được các DN đó tiết lộ là không hề khó, vì với tầm quan hệ của DN thì việc đổi ở ngân hàng rất đơn giản. Không những thế, đổi tiền cũng không mất chi phí gì, 1 đổi 1 luôn”, anh Kiên cho biết thêm.
Ở ngân hàng anh N.K.T. cũng không khác, anh T. cho biết: “Dân vào bình thường thì không ai cho đổi tiền mệnh giá 200, 500 đồng. Nhưng nếu có quan hệ thì có thể đổi được không giới hạn số lượng. Trong kho có bao nhiêu có thể đổi được bấy nhiêu”.
Cân tiền |
“Tiền lẻ trong kho ở ngân hàng được cất vào trong bao mỗi bao nặng 5 -7 hoặc có thể là 10 kg. Tiền được bó thành cọc, mỗi 1 cọc tiền 200 đồng có trị giá 200.000 đồng, 1 cọc tiền 500 đồng có trị giá 500.000 đồng, vì mội cọc có 1000 tờ tiền. Khách có quan hệ có thể đổi mà không mất chi phí”, anh T. cho biết thêm.
Theo Thế Hưng (Dân Trí)