10.000 đồng/bao cà rốt 80 kg, nông dân đổ cho bò ăn

11/02/2015 14:30:53

Nhiều nông dân trồng cà rốt tại Hải Dương khóc ròng vì mất giá, phải đổ bỏ cho bò ăn. Tuy nhiên, ở các chợ, siêu thị tại Hà Nội, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao.

Nhiều nông dân trồng cà rốt tại Hải Dương khóc ròng vì mất giá, phải đổ bỏ cho bò ăn. Tuy nhiên, ở các chợ, siêu thị tại Hà Nội, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao.
Có mặt tại cánh đồng xã Thái Tân (Nam Sách, Hải Dương), phóng viên chứng kiến những thửa ruộng cà rốt đỏ rực mà bị vứt bỏ. Thi thoảng vài người dân mang theo gánh, xe thồ nhặt cà rốt về làm thức ăn cho bò, lợn, cá. Nhiều thửa ruộng đến ngày thu hoạch nhưng chưa tìm được người mua, lá cà rốt vàng úa, thối rữa gần hết.
 

Cà rốt vứt la liệt tại ruộng vì mất giá.


Tiền vào tay thương lái Hiện, thương lái thu mua cà rốt loại đẹp nhất 2.000-2.500 đồng/kg. Những thửa ruộng đã thu hoạch, cà rốt vứt la liệt do năm nay giá thấp, cà rốt loại 2, loại 3 phải đổ bỏ, hoặc nhặt về cho bò, lợn ăn (mọi năm bán được 4.000-5.000 đồng/kg). Anh Hoàng Viết Huynh (thôn Đình, xã Thái Tân) cho biết: “Dân trồng cà rốt năm nay lỗ vốn. Nhà tôi trồng hơn 30 sào, trung bình một sào đầu tư tiền phân, thuốc trừ sâu, giống hết 3,1 triệu đồng.

Năng suất mỗi sào được khoảng 1 tấn cà rốt loại 1; 1,2 tấn loại 2. Mọi năm cà rốt bán được khoảng 8.000 đồng/kg loại 1 và 4.000 đồng/loại 2, người dân có lãi. Nhưng năm nay, mỗi sào chỉ được 1- 2 triệu đồng bán loại 1, lỗ trên dưới 2 triệu đồng/sào. Cà rốt loại 2 bán giá 10.000 đồng/bao nặng 80 kg”.

Theo anh Huynh, cà rốt chủ yếu đợi thương lái về thu mua, không ký kết hoặc hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Chưa năm nào, cà rốt mất giá thê thảm như năm nay. “Gia đình tôi chỉ trông chờ vào thu nhập vụ cà rốt, nhưng nay bán chả ai mua. Cà rốt đến kỳ thu hoạch nếu nhổ muộn cũng tự thối hết. Hơn 4 tháng trời, 2 vợ chồng ròng rã chăm bẵm, tưới nước, nhổ cỏ từng ngày, giờ đến lúc thu hoạch đành đổ bỏ hết”, chị Nguyễn Thị Ngân nhìn ruộng cà rốt đang úa vàng ngậm ngùi.

Theo ông Trần Quốc Bính, Phó chủ tịch xã Thái Tân, toàn xã có hơn 70 ha trồng cà rốt, năng suất khoảng 50 tấn/ha. Năm nay rớt giá, mỗi ha lỗ gần 30 triệu đồng. “Đây là vụ cà rốt chính của người dân, cả năm chỉ trông vào đợt này.

Cà rốt thu hoạch chủ yếu do thương lái nhập hàng đưa đi các nơi, không chủ động được nguồn tiêu thụ”, ông Bính nói. Giá cà rốt loại 1 thu mua tận ruộng 2-2,2 triệu đồng/tấn, theo thương lái Vũ Văn Tọa (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương), giá xuất bán tại kho chứa ở Nam Sách là 2,8 triệu đồng/tấn. “Chúng tôi mua cà rốt về phải thuê nhân công cho vào máy rửa sạch trước khi bán ra thị trường, nên giá cao hơn mua trực tiếp của nông dân”, anh Tọa cho biết.

Theo anh Tọa, giá cà rốt đưa đến các chợ đầu mối ở Hà Nội có giá khoảng 3,2 - 3,5 triệu đồng/tấn do tiền cước phí vận chuyển. “Trung bình một chuyến xe chở 4 tấn cà rốt từ Hải Dương lên Hà Nội hết khoảng 1,6 triệu đồng tiền cước phí. Giá xăng giảm, tiền xăng không nhiều nhưng để đưa cà rốt đến tận chợ phải cõng thêm nhiều loại phí khác như bến bãi, phí vào chợ...”, anh Tọa nói.

Chị Nguyễn Thị Vân, tiểu thương bán rau tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, giá cà rốt lấy buôn từ chợ đầu mối khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, về bán lẻ cho người dân giá 7.000 đồng/kg. “Thương lái họ lãi nhiều, chứ chúng tôi mỗi ngày chỉ bán được vài cân cà rốt. Qua 3-4 lần trung gian, rau củ mới đến tay người tiêu dùng, mỗi lượt lãi một chút, giá chắc chắn phải tăng”, chị Vân cho biết.

Thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, tình trạng người trồng cà rốt thua lỗ vì mất giá trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao do thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người trồng bấp bênh trông chờ vào thương lái nhưng cũng không đưa được hàng vào siêu thị do không có hóa đơn, chứng từ.

Theo ông Phú, do chính sách khập khiễng, ngặt nghèo, siêu thị đòi giấy tờ, hóa đơn VAT nhưng người trồng rau không đáp ứng được. Hệ thống phân phối rệu rã, sự quan tâm của các cấp chính quyền chưa đúng mức. Năm sau họ không trồng cà rốt, lại chuyển sang xu hào, củ cải và lại xảy ra câu chuyện tương tự.

Cả nông dân và người tiêu dùng đều bị thiệt. “Theo tôi, ngành nông nghiệp phải vào cuộc quy hoạch sản xuất và hướng dẫn người dân trồng theo tiêu chuẩn như Viet Gap. Mình nên quy hoạch như nước ngoài, làm theo chuỗi phân phối. Mỗi vùng trồng một loại sản phẩm, ví dụ vùng này trồng cà rốt cung cấp cho siêu thị và các chợ, vùng khác trồng các loại rau lá. Sau đó kiểm soát quy trình, cấp hóa đơn cho hợp tác xã, đưa xuống cho nông dân. Đó là điểm mấu chốt và là giải pháp lâu dài”, ông Phú nói.
 
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)

Nổi bật