Cụ thể, vào ngày 22/11, trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, bà Hooi Ling Tan, người đồng sáng lập của Grab cho biết, số thuế mà công ty này nộp tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10/2017 khoảng 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào chiều nay (29/11), đại diện Grab cho biết thông tin mà bà Tan Hooi Ling đã công bố trong chuyến làm việc tại Việt Nam, là không có cơ sở.
Theo đó, liên quan đến nghĩa vụ thuế của Grab tại Việt Nam, trong thông báo số 14393/TB-CCT-KK,KTT&TH của Chi cục Thuế quận 10 ngày 27/11/2017 đã xác nhận: Kỳ kê khai thuế 10 tháng đầu năm 2017, Grab đã nộp Ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là 142.355.182.448 đồng.
Grab cho biết, gần đây nhất, kết quả thanh tra 3 năm hoạt động 2014-2016 được công bố trong họp báo thường kì ngày 27/10/2017 của Tổng Cục Thuế đã xác nhận Grab Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2016.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội thảo Xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ công nghệ kết nối vận tải được tổ chức vào chiều nay (29/11), nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng mức thuế của những hãng taxi công nghệ như Uber, Grab so với taxi truyền thống là hợp lý.
Giải thích cho điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các điều kiện hiện nay về thuế giữa taxi truyền thống và Grab, Uber đang tương đương nhau nhưng có một số điều kiện quan trọng cần làm rõ.
Thứ nhất, đó là điều kiện liên quan đến đóng thuế. Hiện nay, taxi truyền thống đang đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) dựa trên lợi nhuận và đây là thông lệ từ xưa. Còn taxi công nghệ thì áp thu nhập trên tổng phần trăm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho biết, đóng thuế theo áp doanh thu tốt hơn là chia theo lợi nhuận, vì chia theo lợi nhuận thì DN có thể dùng những biện pháp gian lận để làm giảm số thuế phải đóng, do đó đóng thuế áp tổng doanh thu như Grab, Uber vẫn minh bạch hơn.
Theo Hồng Vân (Dân Trí)