Tình trạng thuê bao internet nợ cước rồi chạy qua nhà mạng khác đăng ký mới là vấn đề nan giải lâu nay của các nhà mạng ở Việt Nam. Kẽ hở hiện nay là nhà mạng nào cũng có quyền cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
10 nhà mạng cùng ký kết
Các nhà mạng cho biết tình trạng nợ cước viễn thông đã gây ra nhiều vấn đề cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN). Một số người dùng nợ cước viễn thông rồi chuyển sang một nhà mạng khác để đăng ký hòa mạng mới, dẫn đến tình trạng lạm dụng hệ thống.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, khiến tỉ lệ nợ cước tăng lên, chất lượng đi xuống và đặc biệt là các sợi cáp quang không bị thu hồi và trở thành rác thải. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức buổi ký kết thỏa thuận về việc từ chối dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ truy cập internet ADSL/FTTH. Theo đó 10 nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom cùng ký kết. Các nhà mạng sẽ cùng xây dựng hệ thống kỹ thuật, các quy trình, thực hiện cập nhật thông tin khách hàng vi phạm và cùng chi trả các chi phí thuê hạ tầng, thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống. Các khách hàng có tên trong "danh sách đen" này sẽ không thể đăng ký dịch vụ của một nhà mạng khác khi còn nợ cước của nhà mạng cũ.
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết: "Nợ cước là một thực trạng nhức nhối. Việc phát triển thuê bao cần hài hòa các lợi ích khách hàng, DN và Nhà nước. Cần có sự đồng thuận của nhà mạng để đạt được sự văn minh kinh doanh và thị trường lành mạnh. Đây là bước đầu thử nghiệm và tiến tới mở rộng các dịch vụ viễn thông khác". Ông Phó Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng việc người dùng nợ cước, không thực hiện đủ nghĩa vụ hợp đồng đã chuyển sang các nhà mạng khác gây thiệt hại lớn cho các DN viễn thông.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết trong Luật Viễn thông quy định rõ việc các DN được chia sẻ thông tin về thuê bao nợ cước nhằm thực hiện việc thu hộ hoặc giảm thiểu thuê bao nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh có 40 DN cung cấp dịch vụ ADSL/FTTH tới hộ gia đình, không thể chia sẻ song phương mà cần có cam kết đa phương. Đây là lý do dẫn đến thỏa thuận ban đầu giữa các DN. Thỏa thuận này cũng bảo đảm việc người sử dụng dịch vụ viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định, hợp đồng đã ký kết với các nhà mạng, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Cụ thể chất lượng dịch vụ theo gói cước
Tuy nhiên, theo các chuyên gia viễn thông, cần phải xem lại "nguyên nhân sâu xa" của việc nhiều khách hàng nợ cước, "bùng cước" internet. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một là chất lượng dịch vụ còn thấp và hai là khâu kiểm soát việc đăng ký sử dụng, thu tiền cước còn nhiều sơ hở, thường liên quan đến các DN nhỏ. Những DN nhỏ này sử dụng các thông tin không chính xác, thậm chí giả mạo để đăng ký dịch vụ. Đến khi DN giải thể, đóng cửa thì nhà mạng khó truy thu cước.
Anh N.H.L (ngụ quận Bình Tân TP HCM) cho hay chất lượng dịch vụ internet của nhiều nhà mạng hiện nay còn thiếu ổn định, thậm chí thường xuyên "rớt mạng", tốc độ vẫn còn chậm. Nhiều người dùng đổi chuyển mạng vì không thể chịu đựng tình trạng mạng internet cứ chập chờn. Bên cạnh đó, giá cước internet vẫn còn cao so với mặt bằng chung thu nhập của nhiều người, nhất là với lao động phổ thông, công nhân, sinh viên… Các gói cước hiện nay giá thấp nhất cũng từ 100.000 - 200.000 đồng nhưng các gói cước này có tốc độ rất chậm, ít người sử dụng, muốn tốt hơn phải chọn gói cước cao hơn. Chất lượng thấp, giá cước cao khiến nhiều người không mấy mặn mà với việc đăng ký thuê bao internet hay liên tục phải chuyển đổi mạng.
Ông Nguyễn Văn Hảo, chủ một DN xây dựng nhỏ ở TP Thủ Đức, cho biết: "Trước đây, có năm chúng tôi phải thay đổi đến 3 nhà mạng. Đăng ký nhà mạng này thì tốc độ chậm, chuyển sang nhà mạng khác thì hay rớt mạng, đăng ký nhà mạng khác nữa thì tốc độ tốt hơn nhưng giá cước cao, thủ tục rườm rà. DN cần chất lượng internet ổn định, giá cước hợp lý, ưu đãi để sử dụng. DN cũng có nhu cầu lớn về dung lượng, tốc độ đường truyền, tuy nhiên giá các gói cước tốc độ cao, dung lượng lớn thì lên đến vài chục triệu đồng, các gói cước vài triệu đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN dù là DN nhỏ".
Theo một chuyên gia viễn thông tại TP HCM, để tránh tình trạng nợ cước, "bùng cước" thì các nhà cung cấp dịch vụ internet phải xem lại chất lượng dịch vụ của mình. Nếu dịch vụ tốt thì người dùng sẽ không dễ dàng chuyển mạng, nợ cước, "bùng cước". Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần hoàn thiện chặt chẽ khâu đăng ký dịch vụ, thu cước, truy thu cước... Nếu khâu này chặt chẽ thì sẽ khó có tình trạng nợ cước, "bùng cước". Việc liên thông để xử lý khách hàng nợ cước là cần thiết, đúng pháp luật.
Ghi nhận ý kiến của nhiều người dân, chuyên gia viễn thông tại TP HCM, nhiều người đặt câu hỏi rằng các nhà mạng đã ký cam kết từ chối cung cấp dịch vụ internet với khách hàng không thanh toán tiền cước thì người dùng, DN chấp nhận thực hiện. Nhưng khi xảy ra hiện tượng đứt cáp, mạng chậm thì không thấy nhà mạng bồi thường. Như vậy, vẫn chưa có sự công bằng giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Cho dù chất lượng dịch vụ dù có "chập cheng" thì đến kỳ vẫn phải thanh toán cước đầy đủ nếu không muốn bị nhà mạng chủ động cắt dịch vụ.
Người dùng mong muốn rằng khi nhà mạng quyết định chặt chẽ hơn với khách hàng thì cũng cần sòng phẳng với tuyệt đại đa số khách hàng vẫn trung thành với mình và vẫn đóng cước phí đầy đủ. Đó là nhà mạng phải bảo đảm chất lượng dịch vụ của mình. Các hợp đồng từng gói cước ký kết với khách hàng phải cụ thể hóa các định mức chất lượng tương ứng theo gói cước. Nếu trong thời gian dài không hài lòng với chất lượng dịch vụ, khách hàng được quyền yêu cầu, thậm chí khởi kiện, để nhà mạng bồi thường thỏa đáng.
Doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh quá đà
Theo một lãnh đạo của FPT Telecom, khi một thuê bao mới đăng ký dịch vụ, nhà cung cấp sẽ phải đầu tư cáp, modem ở mức chi phí khoảng 2 triệu đồng. Để thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhà mạng sẽ phải mất 2 năm. "Có nhà mạng đưa ra gói cước internet băng rộng chỉ còn 100.000 đồng/tháng. Với mức cước này, chỉ có thể được bù chéo từ dịch vụ khác mới có thể duy trì", đại diện FPT Telecom nói. Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT, cho biết các DN cạnh tranh quá đà đã khiến thị trường internet băng rộng cố định lao dốc không còn lợi nhuận. Trong khi, internet băng rộng cố định cần phải đầu tư rất lớn để tái đầu tư cho mạng truyền dẫn.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA):
Cần vai trò của cơ quan quản lý
Sự hợp tác của các nhà mạng để cùng xử lý vấn đề chung là nợ xấu cước internet, cùng có chế tài với khách hàng có hành vi xấu, đây là việc nên làm vì một xã hội văn minh hơn.
Thường các khoản cước internet nợ không nhiều với từng trường hợp nhưng là số tiền lớn khi số người nợ đông. Trước đây, khi người dùng ít lựa chọn nhà mạng thì tỉ lệ nợ cước ít hơn so với hiện nay, số lượng nhà cung cấp đông đảo. Thường khách hàng DN ít nợ cước, vì họ cần uy tín và mạng ổn định, chủ yếu rơi vào khách hàng cá nhân. Ở một góc nhìn khác, cần nhìn nhận vấn đề nợ cước bằng pháp lý, thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ. Thường hợp đồng cung cấp intenet do nhà mạng soạn, người dùng chỉ có ký hợp đồng nên các điều khoản liệu có công bằng, bình đẳng với 2 bên? Từ đó, phát sinh nợ cước nhưng bản chất có phải người dùng "bùng" hay có khúc mắc gì bên trong? Điều này cần phải có vai trò của cơ quan quản lý, tránh trường hợp nhà mạng chèn ép người dùng, người dùng bị từ chối cung cấp dịch vụ oan, không đúng luật.
Ông Phạm Đình Thắng, Trưởng Bộ môn An ninh mạng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT):
Chỉ nên chế tài vi phạm tài chính
Đối với những người có toan tính "bùng" cước thì việc phải có chế tài là đúng. Tuy nhiên, việc hợp tác này giữa các nhà mạng chỉ nên dừng ở các vi phạm tài chính, tránh trường hợp khách hàng bị một nhà mạng cho vào "danh sách đen" thì cũng bị các nhà mạng khác từ chối phục vụ. Như vậy, có thể quay lại thời 1 nhà mạng như trước đây sẽ trở nên độc quyền.
Thực tế cho thấy chất lượng internet tại Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn của người dùng dù nhà mạng cũng có sự cải thiện hơn trước. So với các nước, chi phí internet tại Việt Nam khá rẻ, người dùng cũng cần có ý thức về việc dùng mạng phải trả phí để nhà mạng có nguồn lực tái đầu tư. Hiện việc lắp đặt internet tại Việt Nam khá dễ dàng, người dùng không phải đặt cọc hay trả tiền cho thiết bị nên mới có tình trạng có những người dùng nợ cước nhà mạng này chuyển sang dùng nhà mạng khác vì không tốn phí ban đầu.
Theo Thanh Phượng - Ngô Lê (Nld.com.vn)