Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Bộ Tài chính chưa trình Chính phủ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng nhưng ông yêu cầu công khai, minh bạch nguồn thu.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức thuế này cao hơn nhiều so với khung thuế hiện hành. Việc tăng thuế cao như vậy chưa chắc đã giúp môi trường sạch hơn. Đồng thời, dư luận đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường.
“Bộ chưa trình Chính phủ xem xét”
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (3/2), trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành quy định khung mức thuế BVMT đối với xăng là 1.000-4.000 đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách về BVMT của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT đối với xăng là 3.000 đồng/lít).
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được đề xuất tăng lên cao nhất 8.000 đồng/lít. Ảnh minh hoạ: Lê Hiếu. |
“Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng là từ 3.000 đến 8.000 đồng/lít mới đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này”, người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Ông Mai Tiến Dũng nói thêm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế BVMT (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.
“Việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT nói chung và thuế BVMT đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường”, ông nhấn mạnh.
Địa phương phải gặp DN 2 lần một năm để gỡ khó
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV/2016 của Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu lạm phát ở mức 4% cho năm 2017 là không dễ dàng.
Về vấn đề này, ông Dũng cho hay để đạt mục tiêu ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược.
“Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện”, ông nói thêm.
Nói về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông cho hay Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần/năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp.
“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân”, ông khẳng định.
Theo Kiều Vui (Zing.vn)