Trương Phi là một trong những tướng vũ dũng hàng đầu Tam Quốc. Năm xưa, vị tướng họ Trương ấy cùng Quan Vũ phò tá Lưu Bị từ những ngày đầu lập nghiệp, một lòng cúc cung tận tụy cho bá nghiệp Thục Hán.
Thế nhưng điều đáng nói là một Trương Phi trọng tình trọng nghĩa và rất mực trung thành sau cùng lại trở thành nguồn cơn hủy hoại Thục Hán chỉ vì một câu nói.
Liệu rằng đâu là nguyên nhân tạo nên điều tưởng chừng như nghịch lý này?
Sinh thời, Trương Phi nổi danh là viên hổ tướng sở hữu sức địch vạn người. Ông theo huynh trưởng chinh chiến tứ phương, kiến công lập nghiệp. Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, kể từ sau khi kết nghĩa vườn đào và đi theo Lưu Bị, vị tướng họ Trương ấy chưa bao giờ hai lòng, một mực tận tâm phò tá huynh trưởng.
Chỉ tiếc rằng Trương Phi lúc sinh thời tuy trung nghĩa, trung thành, nhưng lại chưa bao giờ biết chăm sóc sĩ tốt, thường xuyên hành hung thuộc hạ. Lưu Bị cho rằng cách làm của ông không nhân nghĩa, thường xuyên khuyên nhủ, nhưng Phi vẫn không thể sửa đổi. Đó chính là lý do khiến một vị tướng uy chấn nơi sa trường cuối cùng lại bị hạ sát trong tay của hai kẻ phản bội dưới trướng một cách đầy tức tưởi.
Thế nhưng nhược điểm này lại không hẳn là lý do khiến Trương Phi chỉ dùng một câu nói đã đủ hủy hoại nhà Thục Hán. Trên thực tế, sai lầm để đời này của ông lại xuất phát từ chính tính cách trọng tình trọng nghĩa mà người đời thường ca ngợi.
Có người cho rằng, nguồn gốc suy bại của nhà Thục Hán bắt đầu từ khi Lưu Bị khởi xướng trận đánh ở Di Lăng. Vào thời điểm ấy, Trương Phi đã qua đời. Tuy nhiên theo diễn biến của "Tam Quốc diễn nghĩa", quyết định phạt Ngô của Lưu Bị lại có sự đốc thúc không nhỏ từ những lời nói trước đó của vị tướng này.
Năm xưa, Quan Vũ dùng kế nhấn chìm quân Tào trong biển nước, uy chấn Hoa Hạ. Thế nhưng sau đó chính ông lại là người bị đẩy vào cảnh tuyệt vọng khi bị Tào – Ngô giáp công hai đầu, tứ cố vô thân, cuối cùng đành phải bỏ mạng trong tay thuộc hạ của Tôn Quyền.
Sau khi Quan Vũ qua đời, Lưu Bị thân là huynh trưởng liền lập tức muốn Đông Ngô "nợ máu phải trả bằng máu". Dù vậy, ý định phạt Ngô để báo thù của ông liên tục bị các văn võ đại thần ra sức ngăn cản. Họ cho rằng thành lập một chính quyền, để quân chủ trở thành Hoàng đế danh chính ngôn thuận mới là việc cấp bách cần phải ưu tiên hơn cả.
Tuy nhiên ngay cả khi đã trở thành vua một nước, thâm tâm Lưu Bị vẫn chưa buông xuôi ý định báo thù này. Chỉ tiếc rằng các trọng thần lúc bấy giờ ra sức khuyên nhủ nên ông vẫn chưa thể thực hiện.
Không ngờ rằng ở vào thời điểm Lưu Bị đã dần nguôi ngoai ý đồ rửa hận, Trương Phi lại chủ động nói rằng: "Bệ hạ nay đã làm vua, quên mất lời thề vườn đào năm xưa rồi chăng? Thù của nhị ca sao có thể không báo?"
Lưu Bị liền đáp: "Nhiều người can nên chưa thể khinh động".
Trương Phi liền trả lời: "Người khác đâu biết lời thề năm xưa! Nếu bệ hạ không đi, thần xin liều tấm thân này báo thù cho nhị ca. Nếu không báo được thù này, thần thà chết chứ không còn mặt mũi nào gặp bệ hạ nữa".
Nghe xong lời ấy, Lưu Bị liền lập tức hạ quyết tâm: "Trẫm với khanh cùng xuất binh đi. Khanh đem quân bản bộ từ Lãng Trung kéo sang, trẫm dẫn tinh binh hội nhau ở Giang Châu, để cùng đánh Đông Ngô, rửa mối thù này".
Sau đó, Lưu Bị không hề nghe bất cứ lời khuyên can nào từ văn thần võ tướng, quyết chí phạt Ngô.
Quyết định này của ông đã gieo xuống mầm tai họa cho Thục Hán. Kết quả là đại quân của Lưu Bị đã thất bại thảm hại ở Di Lăng, khiến chính quyền non trẻ vừa mới thành lập đã bị tổn thương nguyên khí nghiêm trọng.
Mặc dù toàn mạng trở về và được Đông Ngô gửi thư cầu hòa ngay sau đó, thế nhưng Lưu Bị chẳng bao lâu sau đã qua đời trong u sầu ở thành Bạch Đế, phó thác lại người con trai kế nghiệp là Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng.
Sau này, dù cho Gia Cát Khổng Minh một lòng cúc cung tận tụy, một mực nỗ lực lèo lái con thuyền Thục Hán, thế nhưng đại cục thực chất đã không còn cách nào cứu vãn.
Chỉ vẻn vẹn chưa đầy 3 thập kỷ sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Thục Hán đã bị diệt vong trong tay Tào Ngụy. Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, cơ nghiệp của Lưu Bị bắt đầu suy vong cũng bởi một câu nói của Trương Phi.
Thế nhưng trên thực tế, việc Thục Hán đến hồi mạt vận là kết quả tổng hòa từ nhiều yếu tố. Do đó, hậu thế khó có thể đem đức tính trọng tình trọng nghĩa của Trương Phi ra để một mình khiển trách.
Dung (Nguoiduatin.vn)