Trong Tây Du Ký, Ngộ Không trở nên bất bại khi có trong tay chiếc gậy Như Ý, nếu chiếc gậy quý bị đánh cắp thì sức mạnh của Tôn Ngộ Không bị giảm đi rất nhiều, Đại Thánh chỉ còn cách lên trời cầu xin sự giúp đỡ của các vị thần tiên.
Về 'cơ duyên' đưa gậy Như Ý đến với Ngộ Không, đó là sau khi đánh bại Hỗn Thế Ma Vương, Ngộ Không đã phát hiện rằng đao thương không có khả năng trường cửu nên đã đến Đông Hải Long Cung tìm kiếm báu vật là Định Hải Thần Châm để làm vũ khí và đặt tên là gậy Như Ý.
Tôn Ngộ Không đến Đông Hải Long Cung 'mượn' gậy Như Ý. |
Gọi là gậy Như Ý, chính là hàm ý tùy tâm sử dụng, có thể phóng to thu nhỏ, chống trời chống đất, trị thủy, nhập giang hà hồ biển, chiến đấu với yêu quái, làm theo mọi sự điều khiển bằng ý nghĩ của Tôn Ngộ Không.
Gậy Như Ý được Tôn Ngộ Không thu nhỏ như cây kim và cất ở vành tai để luôn theo bên mình, có thể tùy ý sử dụng bất cứ khi nào cần. Vậy nhưng, tại sao Tôn Ngộ Không lại giấu cây gậy này ở tai mà không phải chỗ khác?
Có một cách lý giải theo phong thủy là, cách đây ngàn năm, ngũ quan trên mặt người tương ứng với ngũ hành, mắt là mộc, lưỡi là hỏa, miệng là thổ, mũi là kim, tai là thủy.
Định Hải Thần Châm vốn là vật báu dưới Long cung, nên đương nhiên vũ khí dưới thủy phải để vào nơi là thủy - mang tai như thế mới thuận theo tự nhiên.
Còn nữa, khỉ là con vật rất thích vò đầu bứt tai, đây cũng là hành động đặc trưng của nó. Vì thế tác giả Ngô Thừa Ân đã dựa trên những đặc tính riêng này của khỉ để bố trí vị trí cất gậy Như Ý vào tai của Tôn Ngộ Không.
Hóa ra, Ngộ Không cất gậy Như Ý trên vành tai đơn giản là vì 'hợp phong thủy' và theo thói quen 'tiện tay' của loài khỉ.
TH (SHTT)