Tôn Quyền (182 - 252), tự Trọng Mưu, là người sống thọ nhất so với Tào Tháo, Lưu Bị. Ông mất năm 71 tuổi, có thời gian cầm quyền Đông Ngô dài nhất, tới 52 năm và là ông vua duy nhất trong hơn 300 vị quân vương của lịch sử Trung Quốc được gọi là "thiên cổ đại đế".
Tôn Quyền mới 18 tuổi đã nối nghiệp anh mình, trở thành người thống trị tối cao ở tỉnh Giang Đông. Là người có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng các phe, nên ông nhanh chóng giành được uy vọng, khiến cục thế Đông Ngô ổn định trong thời loạn thế.
Lúc Tôn Sách sắp mất, Tôn Quyền thấy thực lực của mình còn yếu, nội chính cũng chưa thực sự vững vàng nên đã lập tức đình chỉ tất cả các hoạt động khuếch trương quân sự, lấy ổn định chính trị làm điều cốt lõi, tích cực sửa sang nội chính, phát triển kinh tế xứ Giang Đông và chiêu nạp rất nhiều nhân tài.
Từ năm Kiến An thứ 8 đến năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền chỉ có 2 lần dụng binh và lần sau đã đánh tan đội thuỷ binh nức tiếng Kinh Châu của Hoàng Tổ, báo cái thù giết cha, giải toả áp lực đáng kể từ phía Kinh Châu với Đông Ngô. Bằng mưu lược và tài năng của mình, Tôn Quyền đã gây dựng nên một Đông Ngô hùng mạnh. Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã qua 3 đời. Dân giàu nước mạnh, hiền tài vô số. Đông Ngô dưới trướng của Tôn Quyền rất hùng mạnh, xứng đáng là một chân đối xứng trong vạc 3 chân của thời Tam quốc.
Nói về tính cách của Tôn Quyền, sự quả quyết của ông là một trong những yếu tố quân trọng nhất giúp ông gặt hái được nhiều thành tựu. Khi Tào Tháo khởi đại binh xuống chinh phạt Đông Ngô, có người sợ uy lực Tào Tháo, đề nghị hàng Tào nhưng bị Lỗ Túc, Chu Du kiên quyết phản đối. Bản thân chính Tôn Quyền cũng vô cùng quyết đoán với ý định kết đồng minh với Lưu Bị và kháng Tào đến cùng. Ông rút gươm báu chém sạt một góc án thư, lớn tiếng nói: “Ai còn bàn đầu hàng Tào Tháo thì kết cục như cái án này!”. Kết quả trong trận Xích Bích, liên minh Tôn - Lưu đại thắng quân Tào, củng cố nền thống trị của Tôn Quyền ở Giang Đông.
Mùa hạ năm 219, Tôn Quyền thừa lúc Quan Vũ dốc quân Kinh Châu đánh Tào Nguỵ ở phía Bắc giành được thắng lợi nhỏ nhặt, phái Lã Mông dẫn 2 vạn quân kéo đến đánh lấy Kinh Châu. Năm 230, Tôn Quyền phái đội thuyền người, do tướng quân Vệ Ôn và Gia Cát Trực xuất lĩnh ra biển, đến Di Châu.
Nói về ngoại giao, Tôn Quyền quả thực là một nhà chính trị xuất sắc. Ông kết hợp nhuần nhuyễn các quyết sách với ý tướng, lòng dân. Ông xử lý nhuần nhuyễn cái riêng lồng trong cái chung. Ví như trong việc gả em gái mình cho Lưu Bị, đã giúp liên minh Tôn-Lưu nâng thêm một tầm cao nữa.
Tôn Quyền biết phát hiện nhân tài chỉ bằng một lần tiếp xúc hoặc nhìn họ điều binh như Lữ Mông, biết dung hòa giữa những tướng tài với nhau để họ đồng lòng cùng làm việc, biết lắng nghe thuộc hạ và quyết định đúng đắn trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng. Biệt tài dùng người chính là vũ khí “tất thắng” của Tôn Quyền. Điều này thể hiện ở việc ông đề bạt Lữ Mông hay Lục Tốn; phái Gia Cát Cẩn sang Thục cầu hòa…Về sau, Lữ Mông trở thành đại tướng anh dũng thiện chiến, vang danh thiên hạ với chiến dịch tập kích “Bạch y độ giang” đánh bại Quan Vũ, đoạt lại Kinh Châu về cho Đông Ngô.
Chuyện kể rằng, danh tướng Lữ Mông vốn dĩ chỉ là một “sĩ quan quèn”. Một lần Tôn Quyền duyệt binh, trông thấy Lữ Mông chỉ huy một nhóm lính “bộ pháp chỉnh tề, tinh thần phấn chấn”. Tôn Quyền rất hài lòng, bèn phá cách đề bạt Lữ Mông. Sau trận “bạch y độ giang”, lấy lại Kinh Châu cho Đông Ngô, Lã Mông trở thành viên tướng xuất sắc của nhà họ Tôn thời bấy giờ, vang danh thiên hạ.
Hay chuyện sử dụng Lục Tốn cũng thể hiện tài dụng nhân của Tôn Quyền. Danh tướng Lục Tốn của Ngô ban đầu cũng chỉ là một thư sinh, không có công tích gì. Sau khi đại quân Thục – Ngô khai chiến, được Lữ Mông tiến cử, Tôn Quyền lập tức giao đại quyền vào tay Tốn. Không phụ sự kỳ vọng của Quyền, Lục Tốn đã đánh tan 70 vạn đại quân Lưu Bị (đến trả thù cho 2 nghĩa đệ của mình là Quan Vũ và Trương Phi) trong trận Di Lăng. Hai bên giằng co 7, 8 tháng. Lục Tốn dùng chiến thuật “Thành cao hào sâu”, không chịu ra đấu, dùng hoả công đánh quân Thục ở Di Lăng, giành được đại thắng. Qua việc sử dụng những tướng như Chu Du, Lục Tốn, Cam Ninh, Chu Thái… phản ánh tài dùng người của Tôn Quyền.
Cũng nhờ sự phá cách trong phương pháp dùng người của Tôn Quyền, mà thời kỳ cai trị của ông được đánh giá là “nhân tài như mây”, không rơi vào tình trạng người tài không có đất dụng võ như Thục Hán giai đoạn suy vong.
Nhưng cái nể trọng với Tôn Trọng Mưu chính là chữ hiếu và chữ tình. Ông là người có trước, có sau, luôn thực sự bày tỏ lòng mình, điểm này khác hẳn sự gian trá của Tào Tháo. Nhớ về lúc nghe tin Chu Du mất, Quyền rất đau buồn, vừa khóc vừa nói với trăm quan: “Công Cẩn mất đi, ta mất một hiền tài lương tướng, sau này biết dựa vào ai?”. Sau này đã lên ngôi Hoàng đế, mỗi khi nhớ lại trận Xích Bích, Tôn Quyền vẫn thường nói với người xung quanh rằng: “Nếu không có Chu Công Cẩn, làm sao ta có ngôi vị Hoàng đế này?”.
Tài năng chính trị của ông thậm chí Tào Tháo cũng phải khen ngợi. Ngay cả Tôn Sách (anh của Tôn Quyền) là một dũng tướng nhưng cũng không hề được Tào Tháo xem trọng như khi nói về Tôn Quyền: “Hổ phụ sinh lân nhi, sinh con nên như Tôn Trọng Mưu”. Câu nói nổi tiếng lịch sử ấy thốt ra khi Tào Tháo đối đầu với Tôn Quyền ở Hợp Phì, nhìn cách bày binh bố trận của quân Ngô.
Khi luận anh hùng với Lưu Bị, Tháo coi đám quần hùng thiên hạ như đám tiểu nhân, chỉ nhận riêng có Lưu Bị và chính mình là anh hùng. Thế mà bấy giờ phải thốt lên câu cảm khái kia thì Tôn Quyền thực xứng danh anh hùng vậy.
Đáng tiếc, khi về già, Tôn Quyền bị mất đi sự "hùng tài vĩ lược" của mình. Ông trở nên đa nghi, thất chí, khiến mâu thuẫn nội bộ triều Ngô diễn biến phức tạp.
Dung (SHTT)