Nếu thường xuyên xem dự báo thời tiết, chắc hẳn bạn đã nhiều lần nghe câu 'Sáng có sương mù, trưa chiều trời nắng'. Vậy vì sao nếu sương mù xuất hiện vào buổi sáng thì trưa chiều sẽ có nắng?
Đầu tiên cần phải biết sương hình thành như thế nào. Sương là hiện tượng hơi ẩm trên trên mặt đất bốc hơi và chuyển động lên cao, lạnh dần và ngưng tụ tạo thành những hạt nước nhỏ li ti giống như mây nhưng lơ lửng gần mặt đất gây ra hiện tượng sương mù.
Vào ban đêm những ngày nắng không có mây, nhiệt lượng mặt đất phát tán rất nhanh, nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống. Nhiệt độ khi đã hạ thấp xuống thì khả năng chứa hơi nước trong không khí cũng giảm theo, hơi nước ở tầng thấp trong không khí rơi xuống ngọn cỏ, rơi trên lá cây, đồng thời kết thành những hạt nước nhỏ, đó chính là quá trình hình thành hạt sương.
Bởi lớp không khí lạnh luôn nặng hơn khối không khí nóng, vào ban đêm nhiệt độ không khí thấp, không khí lạnh tích tụ gần mặt đất tạo thành sương mù. Vào sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, độ ẩm trong không khí cao kết hợp với sương mù ban đêm và không khí nóng bên trên đẩy xuống tạo thành hạt sương đọng trên mọi vật. Khi mặt trời lên các hạt sương này nhanh chóng bốc hơi và tan vì nhiệt lượng của mặt trời.
Như vậy, nếu sáng sớm có sương mù, đặc biệt là nhiều hạt sương đọng trên lá thì đó là dấu hiệu của một ngày có nắng.
TH (Nguoiduatin.vn)