Quạ thông minh bằng một đứa trẻ 7 tuổi
Mặc dù kích cỡ bộ não của quạ có vẻ nhỏ bé so với bộ não của con người, tỷ lệ kích thước bộ não so với kích thước cơ thể mới là chỉ tiêu quan trọng. Nếu xét về tỷ lệ kích thước não và cơ thể, trí thông minh của loài quạ và loài linh trưởng được xem là tương đương nhau. Giáo sư John Marzluff tại Phòng thí nghiệm bảo tồn hàng không của Đại học Washington ví những con quạ những con khỉ biết bay!
Chúng nhận diện được khuôn mặt của con người
Bạn có thể nhầm lẫn một con quạ này với một con khác nhưng những con quạ lại hoàn toàn vượt trội hơn bạn ở khía cạnh này: chúng có thể nhận ra và phân biệt khuôn mặt của những người khác nhau. Giáo sư Marzluff và cộng sự đã bắt một số con quạ sau đó gắn thẻ và thả chúng ra. Trong đó, các thành viên trong nhóm của Marzluff đeo những mặt nạ khác nhau. Những con quạ sau khi được thả đã bổ nhào vào mổ những người đeo mặt nạ, song điều bất ngờ là chúng chỉ nhắm vào những ai đã bắt chúng.
Những con quạ bàn luận với nhau về chúng ta
Nếu có đôi lúc bạn nghĩ rằng hai con quạ đang nhìn bạn và xì xầm điều gì đó về chúng ta thì có lẽ bạn đã đúng. Trong nghiên cứu của Marzluff, những con quạ khác chưa hề bị nhóm của ông bắt giữ vẫn tấn công những nhà khoa học này. Làm thế nào mà những con quạ mô tả với những con quạ khác về những kẻ tấn công chúng? Có lẽ chính là nhờ vào cường độ, nhịp điệu, và thời gian phát ra âm thanh "quạ quạ" khác nhau tạo thành một dạng ngôn ngữ giữa những con quạ.
Chúng nhớ những gì bạn đã làm
Nghiên cứu của giáo sư Marzluff còn cho thấy những con quạ có thể truyền lại mối hận thù của chúng cho con cái: Những thế hệ quạ đời con cháu của những con bị các nhà khoa học bắt giữ đã tiếp tục thể hiện hiềm khích đối với các nhà khoa học đeo mặt nạ.
Một trường hợp khác cho thấy bộ nhớ ghê gớm của loài quạ là sự kiện tại Chatham, Ontario. Sự việc là hằng năm, khoảng nửa triệu con quạ đã dừng lại ở Chatham trên đường di cư gây ra mối đe dọa cho mùa màng nông nghiệp ở nơi đây. Do đó, thị trưởng của thị trấn đã quyết định tuyên chiến với lũ quạ và khởi động cuộc săn bắt chúng. Kể từ đó, những con quạ đã bỏ qua điểm dừng Chatham trên đường di cư và luôn bay đủ cao để tránh bị bắn. Tuy nhiên, chúng còn không quên trả đũa bằng cách để lại khá nhiều phân khi bay ngang thị trấn này.
Những con quạ biết sử dụng công cụ để giải quyết vấn đề
Có khá nhiều loài động vật biết sử dụng các công cụ có sẵn, tuy nhiên, quạ là loài không phải linh trưởng duy nhất biết tạo ra các công cụ mới. Ngoài việc sử dụng các loại công cụ đơn giản như gậy, khúc cây làm giáo và móc, những con quạ còn biết uốn cong các sợi dây để chế tạo công cụ mới, ngay cả khi chúng chưa bao giờ gặp phải công cụ này trước đây.
Những con quạ không những biết dùng nhiều công cụ mà còn biết tạo ra công cụ mới
Trong truyện ngụ ngôn Con quạ của Aesop, một con quạ khát nước đã thả đá vào lọ nước để nâng mực nước lên cao để uống. Để kiểm chứng, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm như sau: Họ đặt một món ăn nổi trên mặt nước và đựng trong một bình sâu. Quả thật, những con quạ trong thí nghiệm đã thả nhiều vật thể xuống nước cho đến khi món ăn nổi lên vừa tầm chúng có thể lấy được. Không những thế, chúng còn khéo léo chọn những vật thể có kích thước phù hợp, không quá lớn so với bình chứa và đồng thời cũng không chọn những vật thể dễ nổi trên mặt nước. Bạn có biết rằng đối với loài người, trẻ em của chúng ta đạt tới mức nhận thức này vào khoảng từ năm đến bảy tuổi.
Biết lên kế hoạch cho tương lai
Không phải chỉ có con người mới biết lên kế hoạch cho tương lai. Hơn cả những con sóc biết tích trữ hạt dẻ để chuẩn bị cho những lúc thiếu lương thực, những con quạ không chỉ lập kế hoạch cho các sự kiện trong tương lai mà còn xem xét suy nghĩ của những con quạ khác. Khi một con quạ cất thức ăn, nó nhìn xung quanh để xem nó có bị quan sát không. Nếu nó nhìn thấy một con vật khác đang theo dõi, con quạ sẽ giả vờ che giấu đồ ăn của nó, nhưng thực ra chúng nhét thức ăn vào lông của mình. Con quạ sau đó bay đi để tìm một địa điểm cất giấu mới. Trong khi đó, nếu một con quạ nhìn thấy một con quạ khác đang che giấu thức ăn, nó sẽ biết về trò lừa gạt và sau đó bám theo con quạ đang che giấu để khám phá kho tích trữ mới của con này.
Khả năng thích nghi với những tình huống mới
Những con quạ đã tập thích nghi với cuộc sống trong một thế giới thống trị của con người. Chúng quan sát những gì chúng ta làm và luôn luôn học hỏi. Những con quạ được nhìn thấy là đã thả những hạt cây vào làn đường giao thông để mượn những chiếc xe nghiền giúp lớp vỏ cứng. Chúng thậm chí đã quan sát tín hiệu đèn giao thông và chỉ đi lấy phần thức ăn được bóc vỏ sẵn trên đường khi biển báo qua đường bật sáng. Chỉ riêng điều này thì những con quạ đã thông minh hơn rất nhiều người đi bộ rồi đấy. Ghê gớm hơn, chúng còn biết ghi nhớ lịch trình của các nhà hàng và ngày đổ rác để tính toán thời điểm kiếm chác có lợi nhất.
Hiểu được phép so sánh
Ed Wasserman và các đồng nghiệp tại Moscow đã huấn luyện những con quạ để ghép các vật phẩm giống nhau (cùng màu, cùng hình dạng hoặc cùng số). Sau đó, họ đã thử nghiệm xem liệu chúng có thể tìm và phân biệt ra những đối tượng có cùng mối quan hệ với nhau hay không. Kết quả là những con quạ đã nắm bắt các khái niệm từ lần đầu tiên mà không hề được huấn luyện các khái niệm về giống và khác nhau.
Quạ có thể thông minh hơn những chú thú cưng
Những thú cưng như mèo và chó có thể giải quyết một số vấn đề tương đối phức tạp, nhưng chúng không thể tạo ra và sử dụng các công cụ. Về mặt này, có thể nói những con quạ thông minh hơn hẳn những thú cưng thường thấy (nếu thú cưng của bạn là một con vẹt thì trí thông minh của nó cũng tinh vi như một con quạ).
Tuy nhiên, trí thông minh là vô cùng phức tạp và khó đo lường. Chẳng hạn như những con vẹt khó sử dụng công cụ hơn vì cấu trúc mỏ của chúng theo hình cong chứ không hẳn chúng không thông minh bằng quạ. Tương tự, chó không sử dụng các công cụ nhưng chúng đã thích nghi để tương tác với con người để đáp ứng nhu cầu của chúng. Trong khi đó loài mèo đã làm chủ nhân loại đến mức được rất nhiều người tôn thờ.
Dung (Nguoiduatin.vn)