Long bào là trang phục đặc biệt dành riêng cho Hoàng đế, thể hiện quyền uy của hoàng gia. Tuy nhiên, dù long bào là trang phục tinh xảo nhất thế giới nhưng nó luôn khiến Hoàng đế khó chịu. Hơn nữa, khi Hoàng đế mặc long bào cũng phải tuân theo các quy định nghiêm khắc. Theo lễ chế, Hoàng đế phải mặc long bào khi thượng triều và tham gia đại điển.
Trên chiếc long bào có những chi tiết cần phải chú ý như hoa văn 9 con rồng trên cả vạt trước và vạt sau áo. Cái tên "long bào" cũng xuất phát từ chi tiết này. Trước thời nhà Đường, nhiều người có thể mặc áo có dạng tương tự long bào nhưng không được thêu hình rồng. Nhưng sau thời nhà Đường, người bình thường không chỉ không được phép thêu hình rồng lên quần áo mà ngay cả áo kiểu dáng long bào cũng không được mặc. Đường Cao Tổ còn quy định, màu vàng là màu của đế vương, chỉ được dùng bởi vương thất. Từ đó về sau, màu vàng đã trở thành màu sắc đặc trưng dùng riêng cho hoàng tộc. Hầu như long bào của các thế hệ sau đó đều lấy màu vàng sáng làm chủ đạo.
Quá trình làm long bào cũng rất phức tạp, rất nhiều thủ pháp đến hiện tại đã bị thất truyền. Trang phục của Hoàng đế ngày xưa đều do những người thợ có chuyên môn cao phụ trách, triều đình cũng sẽ phái người đến theo dõi và đốc thúc. Ngay cả khi có rất nhiều người cùng làm thì cũng cần đến vài năm để hoàn thiện một chiếc long bào. Thời nhà Thanh, có hơn 2000 người chịu trách nhiệm làm long bào cho Hoàng đế, họ phải làm cả ngày lẫn đêm.
Chế tác long bào là một công việc đầy rủi ro nhưng lại có thu nhập cao. Và vì được trả công rất cao nên nếu xuất hiện một lỗi nhỏ trên long bào thì sẽ bị xử phạt nghiêm trọng. Nếu sai sót tương đối lớn, dẫn đến long bào bị hỏng thì có khả năng sẽ bị xử tội chết. Vì thế, người phụ trách chế tác long bào luôn phải cẩn thận, dồn hết sức vào trang phục trân quý trước mặt.
Một điều đặc biệt nữa là gần như tất cả long bào thời cổ đại đều không được giặt giũ. Một phần là vì người xưa ít chú ý đến vấn đề vệ sinh. Mặt khác, vì trên long bào có những họa tiết thêu rồng dễ bị biến dạng sau khi giặt. Hơn nữa, ngay cả khi trang phục bị bẩn hoặc có mùi lạ thì hầu hết người thời đấy sẽ sử dụng hương huân (xông hương) để khử. Dùng nước để giặt quần áo chỉ là hành động mà người nghèo mới làm.
Vậy thì câu hỏi được đặt ra là, nếu long bào thời cổ đại về cơ bản không bao giờ được giặt giũ thì làm sao Hoàng đế có thể chịu được mùi lạ khi mặc? Câu trả lời sẽ tiết lộ khả năng tài chính của hoàng gia.
Bởi vì phải mất nhiều năm mới sản xuất ra được một chiếc long bào nên nhiều người đã nghĩ Hoàng đế không có bao nhiêu long bào cả, họ sẽ mặc một chiếc long bào nhiều lần. Nhưng trên thực tế, với nỗ lực của hàng nghìn người tham gia quá trình chế tác ngày đêm, số lượng long bào chuyển đến hoàng cung mỗi năm rất lớn. Hoàng đế hoàn toàn có thể thay đổi long bào liên tục, thậm chí có người chỉ mặc long bào một lần duy nhất.
Vả lại, không phải lúc nào các Hoàng đế đều mặc long bào, họ chỉ mặc vào những dịp đặc biệt đã định. Những ngày bình thường, họ sẽ mặc thường phục. Nhưng trong lịch sử cũng có một số vị Hoàng đế tiết kiệm, khi trên long bào xuất hiện mùi lạ, cung nữ sẽ sử dụng hương để xông chiếc long bào.
Dung (Nguoiduatin.vn)