Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa. Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).
Vậy bạn có bao giờ thắc mắc, vì sao lại gọi là Tết Nguyên Đán, cái tên này có ý nghĩa gì?
"Tết Nguyên Đán" vốn không phải là "Tiết Nguyên Đán" trong 24 bốn "Tiết khí" của Thời tiết phân chia theo lịch Mặt trăng (Nông lịch). Từ “nguyên” có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” có nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” là chỉ "Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch". Cái tên Nguyên Đán là phiên âm từ tiếng Hán có nghĩa tết "bắt đầu buổi sáng", một cái tên trong lành, bình yên.
Văn hóa Đông Á thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, để thuận tiện cho việc canh tác mà người xưa đã 'phân chia' thời gian trong một năm thay 24 tiết khí, mỗi tiết này đều có thời khắc 'giao thừa'. Tuy nhiên, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Trong quan niệm của người Việt nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung, thời điểm Tết Nguyên đán không những thể hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh mà đây cũng chính là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về, câu hát 'Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình' lại vang lên trong lòng những con xa xứ. Vào dịp này, dù ở gần hay ở xa, ai nấy đều hối hả hoàn tất hay gác lại mọi công việc để về sum họp bên mái ấm gia đình.
Tết Nguyên đán với ý nghĩa xâu xa và mang tính thiêng liêng trang trọng, nhằm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, với những lời cầu chúc về một năm mạnh khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa... là sự khởi đầu về ý thức hệ nông nghiệp và lan rộng trong đời sống tâm linh người Việt.
TH (Nguoiduatin.vn)