Tại sao người ta lại dùng từ 'mọc sừng' hay 'cắm sừng' để nói về việc ai đó bị phản bội trong tình yêu?
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng, từ “mọc sừng” xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, được dịch từ tiếng Pháp là Cocu. Đối với Người Pháp, khi chế giễu người đàn ông “mọc sừng” (bị cắm sừng) người ta thường dùng từ “Cocu hay Coucou”. Theo truyền thuyết Âu châu từ xa xưa, chữ “cocu hay cocou” xuất phát từ tiếng Pháp, chỉ con chim coucou, một giống chim không biết làm tổ, chuyên đi đẻ nhờ vào tổ chim khác. Chuyện con coucou đi đẻ ở một ổ khác được người ta hiểu theo cách giống như một người đàn ông bị vợ phản bội, đi quan hệ với một người đàn ông khác một cách tự nguyện.
Ý nghĩa xấu xa của câu “bị cắm sừng” khởi đầu liên quan tới hoàng đế Andromic I Comin xứ Vizantin, nắm quyền trong một thời gian ngắn từ năm 1183 - 1185. Chỉ trong 2 năm trị vì, Andromic đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ những người chống đối cũ và rất có biệt tài chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Nhà vua tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng, còn trước cửa nhà họ, cho đặt đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà ông kiếm được trong những dịp đi săn. Từ đó xuất hiện câu “Để người ta cắm sừng lên đầu mình” đồng nghĩa với những nỗi bất hạnh mà các ông chồng kia phải gánh chịu.
Trong văn học, người Hy Lạp, La Mã cổ đại cũng dùng từ “mọc sừng” để chỉ những gã chồng khờ, có vợ ngoại tình mà không biết.
Dân gian ta cũng vốn ví những người có trí tuệ kém giống như con vật có sừng là trâu, bò. Vì thế, khi nói đến việc đàn ông bị cắm sừng, tức là người bị vợ lừa, đi ngoại tình với người đàn ông khác mà không hề hay biết.
TH (SHTT)