Mâm cỗ trong ngày Tết Hàn thực là đồ ăn lạnh, cần sự thanh đạm, không quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị. Vì thế, tránh cúng người đã khuất bằng mâm cao cỗ đầy, tổ chức linh đình.
Đi liền với kiêng cúng kính linh đình chính là việc kiêng cúng bánh chay, bánh trôi ngũ sắc. Tết Hàn thực quan trọng sự thanh tịnh, tinh khiết, do đó sự sặc sỡ là thứ nên tránh. Bánh ngày Tết Hàn thực truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, bên trong bọc đường thể hiện sự thanh khiết, tôn vinh bậc tiền nhân. Bánh trôi, bánh chay ngũ sắc đẹp mắt, sáng tạo song lại không đúng với ý nghĩa nguyên bản của ngày Tết Hàn thực.
Trong mâm cúng Tết Hàn Thực kiêng có đồ mặn. Trong những ngày này, mọi người thường ăn chay và tránh sát sinh. Vì vậy, mâm cúng Tết Hàn Thức đúng với ý nghĩa nhất chỉ bao gồm những đĩa bánh trôi, bát bánh chay trắng thanh khiết, nhẹ nhàng bày tỏ lòng thành kính mà thôi.
Về nguồn gốc và ý nghĩa thì đây là ngày lễ được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, Tết Hàn thực (ngày 3/3 âm lịch hàng năm) còn được gọi là tết bánh trôi bánh chay. Đây là một trong những ngày tết quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt.
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Cứ đến ngày Tết Hàn thực, các gia đình thường chuẩn bị bánh trôi bánh chay, xôi chè để cúng gia tiên, Thần Phật.
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội (hàn thực) với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
TH (SHTT)